Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: 'Sân khấu dân gian cần những tác phẩm chấn động như chiến công của U23'

'Nghệ thuật văn hóa dân gian của chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm đi sâu vào mong muốn của công chúng. - Tác giả Nguyễn Toàn thắng chia sẻ

Là một người nghiên cứu có nhiều tâm tư với văn hóa dân gian Việt Nam, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, người chấp bút cho nhiều tác phẩm sân khấu giàu tính thể nghiệm như vở chèo “Nàng thứ phi họ Đặng”, vở cải lương “Khất sỹ”, “Vì sao lạc xứ”… đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề đổi mới các tác phẩm sân khấu dân gian đương đại.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

PV: Những năm gần đây, các loại hình sân khấu cổ truyền nước ta như Cải lương, tuồng, chèo… đang dần bị mai một, co cụm lại, chỉ tập trung được vào số ít khán giả cũ mà chưa có lớp khán giả mới. Phải chăng “tiếng nói” của sân khấu đang khác quá xa với nhu cầu của công chúng đương đại, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Mai một là chuyện không tránh khỏi, bởi ngay ở hải ngoại, các trung tâm băng nhạc Việt giờ đã rã đám gần hết do lớp khán giả cũ không còn, mà lớp khán giả mới thì thơ ơ với nhạc Việt. Tôi lấy ví dụ này, bởi nó có nét gì đó tương đồng với kịch hát dân tộc. Vả lại, do đặc thù riêng, sân khấu truyền thống của ta luôn bị trói buộc vào tính đặc thù mà không thể phá vỡ, ví dụ như Tuồng là phải bi hùng ca. Người ta đã tìm cách cải tiến Tuồng, chẳng hạn như làm đề tài hiện đại, pha trộn Tuồng với các loại hình khác, nhưng đến nay đều chưa hiệu quả, hoặc chỉ dừng lại ở mức đồng nghiệp khen nhau. Đây là lý do chính mà Tuồng nói riêng và các loại hình sân khấu dân dân gian rất khó có lớp khán giả mới.

PV: Chúng ta cũng đã có một thời kì hoàng kim của nghệ thuật sân khấu từ những năm 50, 70 của thế kỉ trước, vậy thoái trào có phải do sự “xâm lấn” của công nghệ, hay do thẩm mỹ của thế hệ trẻ ngày nay dễ bị “lai căng”?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Tôi cho rằng đây là vấn đề phông văn hoá thì đúng hơn. Những thế hệ trước được chìm đắm trong không khí của nghệ thuật truyền thống từ thuở ấu thơ, thành thử cả đời vẫn đắm say với câu hò điệu lý, với chiếu chèo, với những tích tuồng. Như bản thân tôi là người làm nghệ thuật chuyên nghiệp mà mới chỉ mê đắm với cải lương hơn chục năm trở lại đây. Trước kia, tôi thấy bộ môn này xa lạ quá, thế rồi tình cờ khi tôi nghe được một số bài như Vọng Kim Lang, Phi vân điệp khúc, tôi sững sờ khi thấy cải lương hiện đại quá, đúng như tiêu chí là “Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Vấn đề ở đây là nếu không được thấm đẫm trong nghệ thuật truyền thống, ta sẽ thấy xa lạ. Cái này không đổ lỗi cho kinh tế được, bởi thời xưa nghèo hơn nhiều, mà vẫn bế bụng đi xem chèo đó thôi. Thế hệ kế tiếp không mê đắm nữa, thì tất nhiên thoái trào. Lý do nữa là do việc dạy môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay đang là “thảm hoạ”, khiến khán giả không hiểu được các tích cổ, từ không hiểu dẫn đến không hứng thú là đương nhiên.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng khai thác nhiều đề tài lịch sử trong những tác phẩm của mình
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng khai thác nhiều đề tài lịch sử trong những tác phẩm của mình

PV: Thực tế cũng đã có những thay đổi như “Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm” cũng đã được thông qua và đã tổ chức nhiều năm nay, nhiều tác phẩm mang tính thể nghiệm cũng được công diễn như “Vì sao lạc xứ”, “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”, “Ngạ Quỷ”… nhưng có vẻ như sự tiến triển vẫn khá chậm và “loay hoay”, “bình mới rượu cũ”, hầu như chỉ gây được tiếng vang trong nội bộ chứ không lan tỏa mạnh đến công chúng. Hình như chúng ta vẫn thiếu một điều gì đó?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Công chúng ngày càng khó tính, mà tôi có cảm giác rằng, chính bản thân công chúng cũng đang không biết mình thích cái gì, nhất là công chúng phía Bắc. Thói quen đi ra rạp hát gần như đã không còn. Theo tôi, chúng ta phải có những tác phẩm gây tiếng vang chấn động như những chiến công của đội tuyển bóng đá U23. Vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng theo tôi, phải có những cú đột phá như vậy. Công chúng của ta tuy khó tính nhưng cũng lại rất dễ tính, một khi “gãi đúng chỗ ngứa” của họ. Chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm đi sâu vào mong muốn của công chúng. Điều này, với sân khấu truyền thống hiện nay gần như bất khả thi.

PV: Nếu có thể đổi mới, theo anh điều đầu tiên cần thay đổi là gì?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng:  Cái cần cải tổ đầu tiên theo tôi lại không nằm ở phía nghệ sỹ mà chính ở phía khán giả. Họ phải có nhu cầu đi xem các vở sân khấu truyền thống mẫu mực. Và điều này lại nằm ở phía giáo dục cũng như gia đình. Cứ hô hào nghệ sỹ gìn giữ bản sắc dân tộc, nhưng ở phía còn lại, khán giả không có thói quen thưởng thức, không được phân tích những cái hay của trò, của tích, thì làm sao lớn lên có thể yêu thích loại hình văn hóa đó được? Vì sao nhạc cổ điển phương Tây vẫn có chỗ đứng, là bởi người ta được học về nó, hiểu về nó từ nhỏ. Bây giờ khán giả đi xem, không phân biệt được đâu là cái hay giữa màn biểu diễn của nghệ sỹ này với nghệ sỹ khác, thì lấy đâu ra động lực cho người biểu diễn thăng hoa?

  Vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trên sân khấu

Vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trên sân khấu

PV: Văn hóa truyền thống là một thứ đã ăn sâu vào tư duy của cả Nghệ sỹ lẫn khán giả đến gần trăm năm, thậm chí trở thành tập quán in đậm trong tiềm thức của nhiều thế hệ dân ta, thay đổi liệu có quá khó không, thưa anh?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Cũng không có gì quá khó cả. Tôi thấy có một cách làm rất hay mà số ít nhà hát truyền thống đang thực hiện, đó là phục dựng nguyên bản các vở diễn mẫu mực với dàn diễn viên mới, nhạc công mới, tôn trọng những giá trị cũ và chỉnh lý những mảng miếng chưa mẫu mực lắm. Cách làm này là phù hợp, có thể để thay da đổi thịt hoàn toàn thì chưa, nhưng ít nhất khán giả cũng có cái nhìn gần gũi, thiện cảm hơn. Lấy ví dụ vở chèo “Nàng thứ phi họ Đặng” của tôi, có nhiều người nói rằng đó là phá Chèo, là không giữ tính kinh điển, nhưng ngược lại có khá nhiều khán trẻ giả thích thú, thậm chí muốn xem lại. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi rút ra cho mình những kinh nghiệm riêng trong việc dung hoà giữa cái tôi thích và cái khán giả thích, làm sao cho thật cân bằng.

PV: Vậy làm thế nào để thể nghiệm mà không phá vỡ truyền thống?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Thể nghiệm cho đến tận cùng sẽ gặp được truyền thống, bởi cha ông ta xưa cũng rất hiện đại. Thể nghiệm tận cùng sẽ ra được một cách mới để biểu đạt truyền thống. Đây là trải nghiệm riêng của tôi. Còn thể nghiệm cách nào thì xin thưa rằng sáng tạo là vô bờ bến, nó phụ thuộc vào tài năng cũng như cá tính của từng nghệ sỹ.

PV: Nhưng ranh giới giữa sáng tạo và hư cấu dường như là quá mong manh, nhất là ở loại hình dân gian khó để kiểm nghiệm, liệu chúng ta có cần một nguyên tắc không, thưa anh? (Nguyên tắc cho sáng tạo, nghe có vẻ hơi “buồn cười” nhỉ?)

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng:  Với tôi thì không có ranh giới nào cả. Một khi sáng tạo đã phải đề ra ranh giới cũng là lúc đó đã tự trói buộc mình. Khi viết các kịch bản cho kịch hát dân tộc về đề tài lịch sử, là lúc tôi tự do sáng tạo nhất, không bị trói buộc bởi bất cứ hình tượng nào. Phần lớn tôi chỉ giữ nguyên nhân vật và các yếu tố mấu chốt về lịch sử, còn lại tôi hư cấu hết, hư cấu để nâng tầm nhân vật lên, để khán giả thêm yêu lịch sử, và họ sẽ có những suy ngẫm cho riêng mình.

Cảm ơn anh về những chia sẻ.

Lan Anh

Dừng chân nghe xẩm Hà Thành…

Dừng chân nghe xẩm Hà Thành…

Nếu như các môn nghệ thuật dân tộc khác có nhiều đệ tử chân truyền thì Xẩm lại vô cùng vắng vẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa Xẩm đã lụi tàn