Dừng chân nghe xẩm Hà Thành…

Nếu như các môn nghệ thuật dân tộc khác có nhiều đệ tử chân truyền thì Xẩm lại vô cùng vắng vẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa Xẩm đã lụi tàn

Vào cuối thế kỉ trước, nếu ai ghé chân đất Thăng Long, khu vực chợ Đồng Xuân hay nhưng khu chợ lớn, bờ Hồ, bến tàu điện cũ đều không thể quên hình ảnh những nghệ nhân với cây đàn Nhị, đàn Hồ, những người phụ nữ áo tứ thân, khăn mỏ quạ với những tiếng hát nhặt khoan vương vấn.

Đó là những nghệ nhân hát Xẩm mà đến nay chúng ta rất ít gặp hoặc dường như đã bỏ quên đâu đó…

Nghiệp hát Xẩm và phận con tằm nhà tơ

Bắc Việt thế kỉ 20, có một phụ nữ nghèo, không biết chữ nhưng rất mê hát xẩm, bà biết hát Xẩm từ năm lên 5 tuổi, lớn lên làm vợ lẽ của một ông trùm Xẩm đất Ninh Bình sinh được 7 người con. Trong suốt cuộc đời, bà gần như chỉ biết đến một nghề hát Xẩm mà thôi, đời sống nghèo khó cùng quẫn, chồng mất, con mất, nhưng tiếng hát của bà cùng tiếng đàn nhi trên chiếu Xẩm vẫn âm vang day dứt chưa bao giờ nguôi, đó chính là nghệ nhân Hà thị Cầu, người sau này được dân gian mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ)
Nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ)

Và tiếng hát trong vắt của bà Hà Thị Cầu cũng đã được biết đến rộng rãi như thế. 85 năm cuộc đời, bà gần như đã sống trọn vẹn với những thăng trầm của Xẩm, phận Xẩm cũng như cuộc đời bà, ba chìm bảy nổi "Một đời đánh phấn đeo hoa. Một đời khổ ải cũng qua một đời". Gắn với nghiệp Xẩm, có lúc tiền tiêu rủng rỉnh, lại có lúc thì gần như bị vứt dưới đáy của xã hội, bị rơi vào lãng quên, nhưng dù vui hay buồn, bà vẫn cất tiếng hát, hát say sưa cứ như chỉ chờ có người đến nghe, như phận “con tằm nhả tơ” bằng lời ca câu hát.Vào khoảng thời gian trước đó, nghệ thuật Xẩm gần như vẫn chỉ được coi là một “thú chơi”, cao hơn nữa, nó được coi như một phương tiện kiếm sống của người lao động nghèo. Người ta trải chiếu quanh những khu chợ đông người qua lại, khu chợ Đồng Xuân, bờ Hồ, hoặc nhảy lên tàu điện những chặng đông người nhất, với cây đàn Nhị, đàn Hồ, sênh, sáo, thanh la… thế là thành một gánh Xẩm. Những câu hát Xẩm thường do các nghệ nhân tự sáng tác, hoặc dùng những câu thơ lục bát của những nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ.

Vào thời kì hưng thịnh nhất của nghệ thuật Xẩm, là vào khoảng đầu thế kỉ 20, người ta nhắc đến Xẩm nhiều hơn với thái độ trân trọng hơn. Đó là khi chiếu Xẩm được đưa vào những sân khấu hoành tráng hơn, quy mô hơn, người hát Xẩm được vinh dự gọi bằng tên “nghệ nhân”, “nghệ sỹ” chứ không còn là thái độ kì thị, đầy định kiến như trước. Qua bao thế hệ, Xẩm được coi là bộ môn nghệ thuật gắn liền với nhân dân lao động, và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Xẩm thể hiện các vấn đề nóng của xã hội, của cuộc sống, thể hiện tâm tư tình cảm của nhân dân, đả kích thói hư tật xấu của con người thời bấy giờ.Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Xẩm trở thành phương tiện truyền thông hữu hiệu, vừa truyền thông tin một cách nhanh chóng hiệu quả, vừa mang lại tiếng cười, niềm vui cho các chiến sỹ.

Tuy nhiên, từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường Xẩm dần tan rã. Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ. Đời sống xã hội của nghệ sĩ Xẩm không còn, nghệ thuật hát Xẩm đã bị lãng quên, tưởng như đã thất truyền. Có những người “gở miệng” mà rằng, Cụ Hà Thị Cầu sẽ là người “hát Xẩm cuối cùng”, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại…

Những nỗ lực tái sinh…

Nếu như các bộ môn nghệ thuật âm nhạc dân tộc khác có nhiều đệ tử chân truyền thì bộ môn nghệ thuật hát xẩm lại vô cùng vắng vẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa nghệ thuật Xẩm đã lụi tàn.

Đến nay, người ta vẫn truyền tai nhau về việc một nữ nghệ sỹ nhỏ nhắn chạy tới chạy lui hàng chục lần, tìm đủ mọi cách để xin chính quyền địa điểm biểu diễn cho gánh Xẩm. Đó chính là cô học trò nhỏ ưu tú nhất của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa. Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa bồi hồi nhớ lại :“Khoảng chục năm trước, khi đi xin chính quyền địa điểm để biểu diễn, nhiều người chưa hiểu, họ tưởng hát xẩm là đi ăn xin. Trải chiếu trước cửa chợ, hát rồi người ta thả tiền lẻ vào khay, chẳng phải hát ăn xin thì là gì?”

Thế nhưng người nghệ sỹ ấy không chùn bước, thậm chí ngọn lửa đam mê về nghệ thuật Xẩm còn nung nấu trong cô mỗi lúc một lớn hơn. Cô cầm cây đàn nhị của mình vừa kéo đàn vừa hát cho người ta nghe, cô còn kêu gọi được những nghệ sỹ dân gian tên tuổi khác, giải thích cho những ai chưa hiểu phải hiểu bằng được thế nào là hát Xẩm, cho họ thấy được cái hay, cái đẹp của Xẩm.

Và thế rồi chính quyền người ta cũng phải đồng ý, rồi chiếu Xẩm được trải ra ngay trước cửa chợ Đồng Xuân, chỗ đền thờ vua Đinh, vua Lê để phục vụ bà con nhân dân, đem nghệ thuật Xẩm trở lại với dân mình, như một sự hồi sinh của nghệ thuật dân tộc từ chính những nơi bình dị nhất đúng như hồn cốt của nghệ thuật Xẩm từ bao đời nay. Và rồi từ đó, mỗi tối thứ 7, khách bộ hành qua đường lại bị níu chân bởi những tiếng đàn, tiếng hát vương vấn, những câu hát Xẩm ngân nga, tiếng đàn nhặt khoan dìu dặt, như mời gọi khách bộ hành dừng chân nghe hát. Cũng từ đó, người dân có dịp thưởng thức bộ môn nghệ thuật dân dã tuyệt vời này ngày một nhiều hơn, gần hơn, như dấu hiệu hồi sinh của một giá trị văn hóa Việt đầy nhân văn và đẹp đẽ.

Nhóm Xẩm Hà Thành đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn bộ môn hát Xẩm
Nhóm Xẩm Hà Thành đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn bộ môn hát Xẩm

Rồi bằng những nỗ lực không mệt mỏi, với mong muốn phục dựng bộ môn hát Xẩm, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa cùng một số các nghệ sỹ trẻ tài năng và tâm huyết với nghệ thuật dân gian như nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, nhạc sỹ Giáng Sol, nghệ sỹ Khương Cường… thành lập ra nhóm Xẩm Hà Thành, với những thể nghiệm cách tân vô cùng mới mẻ cho những làn điệu Xẩm, để Xẩm đến gần với công chúng hơn, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài việc kết hợp Xẩm với các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiphop, beatbox, nhóm còn cho ra đời các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại như “Xẩm Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm Trà đá” bàn chuyện thời sự, hay mới đây là “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” mừng xuân Bính Thân, Xẩm “Đường lưỡi bò”…

Và hi vọng, với những nỗ lực không ngừng của những nghệ sỹ trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết, một ngày không xa những làn điệu dân gian Việt Nam nói chung và nghệ thuật hát Xẩm nói riêng sẽ có chỗ đứng đàng hoàng sang trọng trong lòng mỗi người con đất Việt.

Lan Anh

Diễn viên Mai Phương vượt qua giờ phút sinh tử

Diễn viên Mai Phương vượt qua giờ phút sinh tử

Diễn viên Mai Phương vừa chia sẻ về giờ phút đối diện sinh tử, cô cũng khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu với bệnh tật vì con gái Lavie.