Theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua giá xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Bên cạnh đó người dân cũng đang phải thắt chi tiêu...
Mỗi khi giá xăng dầu tăng, hàng loạt mặt hàng phục vụ đời sống người dân ngay lập tức tăng giá. Từ đầu năm tới nay, lương thực, thực phẩm liên tục tăng giá. Một số mặt hàng có mức tăng liên tục như dầu ăn với mức tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/lít.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, gần như đã thành thường lệ, khi hàng hoá hình thành mặt bằng giá mới, mặc cho yếu tố đầu vào đã giảm, giá hàng hóa hầu như không giảm. Ông Hùng nhận định, hiện tượng này không bảo đảm bình đẳng giữa người kinh doanh và người tiêu dùng. Trong bối cảnh “bão giá”, người tiêu dùng phải “thắt lưng, buộc bụng” cắt giảm chi tiêu, tình trạng này rõ ràng khó chấp nhận.
“Cơ quan quản lý có thẩm quyền, thực hiện chức năng quản lý giá theo quy định với hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, như: sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người…”, ông Hùng nói.
Nhiều nhà thầu vừa khó tìm việc, song lại không dám nhận việc, vì không có khả năng và biện pháp đối phó với bão giá. Giá vật liệu tăng cũng đẩy giá nhà lên cao.
Mới đây, một doanh nghiệp trong ngành xi măng vừa phải cho dừng 4 dây chuyền sản xuất. Đại diện DN này cho biết, giá than cám loại 4b mà DN nhập về đã lên tới 5,5 triệu đồng/tấn, trong khi trước kia chưa đến 2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá xăng dầu cũng tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2022, giá thạch cao tăng 50%, đẩy toàn bộ chi phí sản xuất tăng phi mã.
Để kiểm soát giá thịt lợn, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, tác động làm tăng giá lợn và gây áp lực lên lạm phát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT, Tài chính, Công Thương theo dõi chặt diễn biến và có biện pháp bình ổn giá theo quy định.
Đến nay, nhiều mặt hàng trong nước đã “trèo” lên một mặt bằng giá mới với dấu hiệu khó “quay đầu “ kể cả khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Giới chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không kiểm soát tốt, lạm phát vẫn là mối lo lớn vào cuối năm.
Tháng 6/2022, CPI tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Bình quân 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI ở mức 2,44%. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra: hiện trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, biến động giá lương thực, thực phẩm đang tác động rất lớn tới lạm phát của Việt Nam. Kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại, do đó các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho dân. “Do mức lạm phát đã lên tới 2,44% nên dư địa để kiểm soát ở mức 4% không còn nhiều. Áp lực lạm phát của những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn”, ông Lâm nói.
Tổng Hợp