Người dân đang thiếu chổ ở nhưng rất thừa nhà cao cấp

Phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp đang có tỷ trọng rất lớn, tạo thêm khoảng cách lệch pha cung cầu, có nguy cơ gây bất ổn an sinh xã hội. 

Tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp đang ở mức đáng báo động, song, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, không thể "ép" doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ. Bởi theo quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam thì không một tổ chức, cá nhân nào được quyền “ép” doanh nghiệp (tư nhân) phải đầu tư loại sản phẩm gì.

Ông Châu cho biết, trên thị trường bất động sản, quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật thể hiện rất rõ nét. Có những tập đoàn và doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp như Phú Mỹ Hưng, Vingroup, Novaland,...

Ngược lại cũng có những doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp, nhà ở có giá vừa túi tiền, cả nhà ở xã hội như Nam Long, Him Lam, TTC Land,...

HoREA dẫn số liệu từ Sở Xây dựng TP HCM cho biết, cả năm 2020, TP có 47 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, tăng đáng kể so với năm 2019.

Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở bị sụt giảm rất lớn so với năm 2017 là năm mà thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua với 130 dự án và năm 2018 với 122 dự án.

Cũng theo đơn vị này, giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020. Chẳng hạn, căn hộ tại Khu đô thị Thủ Thiêm có giá tương đương khoảng 5.000 - 7.000 USD/m2 ; tại khu vực quận 9, trên dưới 2.000 USD/m2 tùy vị trí,...

Khảo sát từ thực tế dự án nhà ở đang chào bán trên thị trường, phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 70%, đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở.

HoREA cho rằng, đây chỉ là chỉ dấu cho thấy rõ sự lệch pha sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.

"Sở dĩ có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng với thực tế là do khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp", Hiệp hội nhận định.

Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản TP HCM năm 2020 của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố cho thấy sự lệch pha cung cầu ngày càng rõ nét.

Thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn, tránh được nguy cơ bất ổn an sinh xã hội nếu giải quyết được bài toán lệch pha cung cầu và lợi ích của các doanh nghiệp.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)