Người dân Nam Phi sợ đói còn hơn cả sợ biến thể Omicron

Thế giới đang lo lắng về biến thể COVID-19 được đặt tên Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Tuy nhiên, tại chính quốc gia này, cái người ta đang lo lắng nhất chính là đói nghèo do các lệnh phong tỏa chứ không phải là biến chủng này.

Ngành du lịch “chết yểu” khi vừa mới hồi sinh

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Quảng trường Greenmarket ở trung tâm Cape Town là “thước đo” cho thấy ngành du lịch của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào do dịch COVID-19.

Trước đại dịch, quảng trường đầy ắp khách du lịch và các quầy hàng lưu niệm.

59954688_303.jpg
Các chủ quầy hàng phụ thuộc vào khách du lịch để kiếm sống tại Quảng trường Greenmarket của Cape Town.

Thế rồi, trong một thời gian dài, nó trở nên vắng vẻ, chỉ còn một vài cửa hàng hoạt động cầm chừng.

Và, chuyện nơi này “hồi sinh” chỉ mới bắt đầu cách đây chưa lâu khi một số gian hàng bán đồ lưu niệm như: trống, đồ chạm khắc bằng gỗ, những bức tranh có màu sắc rực rỡ mang đậm dấu ấn châu lục mới bắt đầu mở cửa trở lại.

Rồi biến thể mới - biến thể omicron -xuất hiện khiến nhiều nước đưa ra hạn chế đi lại. Nỗi buồn lại quay trở lại trên gương mặt của những người kiếm sống trên quảng trường này.

Một phụ nữ người Congo hành nghề bán túi xách, vòng cổ và áo phông tại đây cho biết: “Người Đức đã ở đây tuần trước. Nhưng hôm qua họ đã không đến. Họ nói rằng họ phải trở về nhà - nếu họ không quay lại bây giờ, họ sẽ bị kẹt ở đây. Nền kinh tế sẽ đi xuống nếu khách hàng không đến".

Tin tức về biến thể omicron đã lan truyền nhanh chóng. Nhưng, hầu như không ai ở đây sợ biến thể này. Cái mà họ sợ chính là hậu quả mà nó để lại.

"Tôi tồn tại là nhờ công việc kinh doanh này", một người bán mũ người Malawi nói.

1.jpg
Một người Malawi làm nghề bán nón ở Cape Town lo sợ cho cuộc sống của gia đình mình bị ảnh hưởng.

"Điều tôi lo lắng là các con tôi và gia đình tôi. Chúng sẽ ăn gì? Bởi vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc kinh doanh này".

Các lệnh cấm hạn chế đi lại đối với Nam Phi có nóng vội?

Nhiều quốc gia đã phản ứng rất nhanh trước thông tin các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện ra một biến thể mới.

Trong vòng một ngày, EU, Anh, Hoa Kỳ, Israel, Singapore, Mauritius và các quốc gia khác đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với các quốc gia ở phía Nam châu Phi. Hiện có chưa đến 100 người có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể mới.

Các nhà khoa học phát hiện trong biến thể omicron có hơn 30 đột biến protein, nhiều gấp đôi so với biến thể delta.

Wolfgang Preiser, nhà virus học tại Đại học Stellenbosch cho biết: “Ở giai đoạn này, chúng tôi không thực sự có bằng chứng, từ việc xem xét các bệnh nhân cũng như từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về hậu quả mà đột biến này gây ra”.

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng tôi có thể dự đoán được từ việc nghiên cứu các biến thể khác, và do đó, có mối lo ngại rằng biến thể này có thể né được hệ thống miễn dịch. Điều đó có nghĩa là nó có thể được lây nhiễm sang những người đã bị nhiễm trước đó và đã hồi phục, và nó cũng có thể lây nhiễm cho những người đã được tiêm chủng ng. Và nó cũng có vẻ như là rất dễ lây lan".

1(1).jpg
Quảng trường Greenmarket vắng lặng khi nhiều nước cấm du khách đến Nam Phi.

Sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm sẽ được thực hiện trong vài ngày hoặc vài tuần tới để mới có thể có được bức tranh rõ ràng hơn về mối nguy hiểm tiềm ẩn của biến thể này.

Trong những tuần gần đây, cuộc sống ở Nam Phi gần như đã trở lại bình thường. Mức độ lây nhiễm thấp, và khách du lịch đã quay trở lại nước nay.

Nhưng trong vài ngày qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh từ khoảng 100 ca nhiễm mới hàng ngày vào đầu tháng 11 lên hơn 2.800 ca mỗi ngày.

Cũng như rất nhiều khía cạnh của đại dịch, vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột ngột hay không. Preiser nói rằng nó có khả năng. Bộ trưởng Y tế Nam Phi, Joseph Phaahla, cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm đang gia tăng ở khu vực Gauteng nói riêng, bao gồm các thành phố Johannesburg và Pretoria.

Trước việc nhiều nước cấm các chuyến bay đến một số quốc gia miền Nam châu Phi, trong đó có Nam Phi, ông Joseph Phaahla, bày tỏ sự ngạc nhiên và nói rằng chúng là “phi lý và trái với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới”. Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cũng đã chỉ trích quyết định chặn các chuyến bay từ Nam Phi là "vội vàng".

Châu Phi có bị phân biệt đối xử?

Cũng đã có một loạt lời chỉ trích từ giới khoa học.

"Thế giới nên cung cấp hỗ trợ cho Nam Phi và châu Phi, không phân biệt đối xử hoặc cô lập họ!", ông Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi viết trên Twitter.

Ông Shabir Madhi, một giáo sư chuyên về virus cho biết, thật ngây thơ khi nghĩ rằng việc áp đặt các hạn chế đối với một số quốc gia sẽ ngăn chặn một biến thể lây lan.

Ông nói với Channel 4 News của Anh rằng, hai năm qua lẽ ra phải dạy cho chúng ta một điều – đó là loại virus này có thể phân tán trên toàn cầu bất kể các loại hạn chế nào được đưa ra.

“Người dân Nam Phi nhớ những gì đã xảy ra khi các nhà khoa học Nam Phi xác định được biến thể beta một năm trước. Các giới hạn du lịch hà khắc đã được áp dụng đối với du khách đến từ Nam Phi, ngành du lịch sụp đổ và đồng tiền nhanh chóng mất giá. Bây giờ, nó đang xảy ra một lần nữa”, ông nói.

Chính phủ Nam Phi đã gánh nhiều nợ hơn trong thời kỳ đại dịch. Gánh nặng nợ của đất nước hiện đã cao gần bằng GDP hàng năm. Nền kinh tế đang gặp khó khăn và chính phủ Nam Phi chắc chắn không thể có bất kỳ đợt hỗ trợ nào cho người dân trong thời gian tới.

“Chắc chắn sẽ không có bất kỳ sự trợ giúp nào cho đa số những người mưu sinh ở Quảng trường Greenmarket. Là người di cư, chỉ một số ít có thể yêu cầu hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Đối với tôi, nó sẽ rất khó khăn", người bán mũ người Malawi nói.

"T ôi đã phải chịu đựng trong hai năm và bây giờ tôi không biết điều gì sẽ xảy ra", anh chua chát.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương