“Đảo chủ” và hơn 200 chú chó lang thang
Hòn đảo nhỏ mà cô Chu thuê nằm ở nơi giao giữa thành phố Thường Thục và khu Tương Thành. Đây chính xác là một vùng đê quai rộng hơn 10 mẫu (khoảng hơn 6000m vuông) nổi lên giữa hồ lớn với nhiều bờ kè và ao, cách bờ khoảng 100 mét. Nhìn từ xa, nơi đây thực sự giống như một hòn đảo nhỏ. Ban đầu, khu vực này được sử dụng với mục đích nuôi cua. Sau khi thuê lại, cô Chu đã cải tạo tất cả thành một nơi dành cho 200 chú chó “vô gia cư” trú ngụ.
Cần đi thuyền để ra đến hòn đảo đặc biệt này. Càng đến gần đảo, tiếng chó sủa càng lúc càng rõ ràng. Thuyền còn chưa cập, trên chiếc bến gỗ nhỏ đã có hơn chục chú chó tụ tập vẫy đuôi vô cùng náo nhiệt. Thậm chí, có nhiều chú chó còn nhảy xuống nước rồi theo thuyền bơi vào để đón cô.
Cô Chu cho biết bản thân dành hơn 10 tiếng trên đảo mỗi ngày: “Cô lên đảo từ sáng sớm. Việc đầu tiên là phải cho chúng ăn uống, sau đó dọn dẹp. Khi hoàn thành tất cả mọi việc cũng khoảng 5 giờ chiều, không khác thời gian đi làm bình thường là bao.”
Cô Chu vốn là nhân viên bán hàng của một công ty. Do công việc không yêu cầu ngồi làm việc trực tiếp ở văn phòng nên cô đã dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày ở trên hòn đảo này. Những năm gần đây, thu nhập của cô dựa vào sự ủng hộ những khách hàng thân quen từ lâu. Đây cũng chính là nguồn thu tương đối ổn định để cô có thể trang trải cuộc sống và chăm sóc cho hòn đảo nhỏ của mình.
Có hàng chục chú chó được thả rông trên đảo. Cô Chu cho biết, đây vốn là thú cưng được nuôi nên đã quen tiếp xúc với người, vô cùng thân thiện. Số còn lại đã được cô nhốt trong chuồng. Những chiếc chuồng được cô sửa lại từ túp lều của người nuôi cua trên đảo. Trong chuồng thậm chí còn được trang bị điều hòa và quạt gió, đồng thời cũng xây thêm nhiều hàng rào xung quanh để mở rộng phạm vi hoạt động của những chú chó nhốt trong chuồng. Hiện trên đảo có hơn 200 chú chó với nhiều giống khác nhau như Golden Retriever, Horse Dog, Labrador, Bichon Frise, Pomeranian, Corgi… Trước khi lên đảo, chúng đều là những chú chó hoang bị chủ bỏ rơi.
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời
Cô Chu nhớ lại thời điểm đầu tiên thuê hòn đảo vào năm 2020, cô đã nhận nuôi hơn 100 chú chó hoang và số lượng đã tăng lên hơn 200 trong vòng 3 năm qua. Nhìn tấm ảnh của cô 3 năm về trước và thời điểm hiện tại dường như là hai người hoàn toàn khác. Nếu như trước kia cô là người phụ nữ có làn da trắng trẻo thì đến thời điểm hiện tại, da cô đã sạm đen hơn rất nhiều. Để tiện cho việc dọn dẹp chuồng trại, chăm sóc những chú chó nơi đây, cô cũng không còn quá quan tâm đến quần áo của mình.
Đối với cô Chu, việc thuê đảo nhận nuôi những chú chó lang thang là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Khi đến Từ Châu (Giang Tô, Trung Quốc), gia đình cô có nuôi một chú chó Teddy. Tuy nhiên vào 7 năm trước, chú chó này đã bị trộm đến hai lần và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tìm thấy:
“Cô kiểm tra camera an ninh thấy nó bị một người lạ đi xe đạp trộm mất.” Kể từ đó, mỗi lần thấy chó hoang bị bỏ ngoài đường, cô đều nhớ đến chú chó cưng của mình và không cầm lòng được đem chúng về nuôi.
Cô Chu chia sẻ, có một lần khi đang đi công tác, cô nghe được câu chuyện có người bắt trộm chú chó Labrador và có ý định thịt ăn. Ban đầu cô không mấy để tâm nhưng cuối cùng vẫn quyết định chuộc lại nó sau một đêm mất ngủ. Một lần khác, khi đang dắt chó đi dạo, cô vô tình nghe được có người kể ở gần đó có một chú chó hoang đang sinh con, không ai chăm sóc rất đáng thương. Cô liền lập tức đến nơi và phát hiện chú chó đã sinh 4 đứa con. Sau một hồi lưỡng lự, cô Chu đã quyết định đưa tất cả về nhà nuôi.
Dần dần, số lượng chó cô Chu nhận nuôi lên đến 40 chú chó. Trong nhà không thể chứa hết nên cô đã mang về nhà cha mẹ ở quê và nói dối rằng đã nhờ người chăm sóc.
“Sau này, chỗ chúng tôi ở phải di dời. Những người dân ở đó đã bỏ lại rất nhiều chú chó vốn là thú cưng của họ.” Cô Chu không thể chịu được cảnh này và lại tiếp tục nhận nuôi toàn bộ. Chính vì số lượng chó quá lớn nên cô đã quyết định thuê một căn nhà ở xa khu dân cư, tránh làm phiền người xung quanh. Đồng thời, cô cũng thực hiện triệt sản và tiêm thuốc cho tất cả chú chó mới nhận nuôi. Tuy nhiên, chủ nhà sau đó muốn tăng giá. Cô may mắn tìm được hòn đảo này của một người nuôi cua.
Cô Chu đặt tên cho hòn đảo này là “Nhà cứu hộ” và đưa từng chú chó hoang cô tìm được lên đảo. Cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 chú chó sinh sống tại đây. Cô Chu vẫn tiếp tục đón những chú chó về hòn đảo. Tuy nhiên, sức chứa của đảo có giới hạn và quan trọng hơn là khả năng chi trả của cô cũng đã đến giới hạn.
“Dù sao chúng cũng là sinh mệnh, cô không muốn dùng từ “đáng” hay không"
“Nếu có cơ hội lựa chọn lại, liệu cô có nhận nuôi nhiều chú chó hoang như vậy?”
Đối mặt với câu hỏi này, cô Chu chỉ có thể thở dài: “Dù sao chúng cũng là sinh mệnh, cô không muốn dùng từ “đáng” hay không để đo đếm những việc mình đã làm.” Càng đáng ngạc nhiên hơn là những việc cô đang làm, gia đình cô đều không hề hay biết: “Chồng cô chỉ biết cô có nhận nuôi chó hoang nhưng không biết cô nuôi nhiều đến vậy, đừng nói đến việc thuê cả một hòn đảo.”
Cùng với đó, chi phí để nuôi những chú chó này đều do cô tự mình chi trả: “Tiền thuê hòn đảo này ban đầu là 25000 NDT (khoảng 83 triệu đồng) mỗi năm, sau đó được giảm xuống một chút. Nhưng so với chi phí chăm nuôi mỗi ngày, số tiền thuê đảo này chỉ là một khoản nhỏ.
Khi bắt những chú chó hoang, ban đầu phải gây mê, chi phí mỗi lần gây mê khoảng 400 - 500 NDT (1,3 - 1,6 triệu đồng). Ngoài ra, việc tiêm phòng, khám sức khỏe, tẩy giun, khử trùng,… đều tốn kém. Chi phí lớn nhất là thức ăn. Những hãng chất lượng sẽ đắt hơn một chút, khoảng 7.000 NDT (khoảng 23 triệu đồng) mỗi tấn, mỗi tháng chúng ăn hết khoảng 1,5 tấn nên tiền mua thức ăn mỗi tháng sẽ tốn khoảng 10.000 NDT (khoảng 34 triệu đồng).
Sau khi tính toán, cô Chu cho biết chi phí để nuôi đàn chó trên đảo mỗi năm sẽ rơi vào khoảng 200.000 NDT (khoảng hơn 660 triệu đồng) "Một vài người bạn của cô cũng đưa chó cưng đến đây gửi nuôi nhờ, họ có trả thêm chút chi phí nuôi dưỡng nên số tiền cô cần bỏ ra là khoảng 150.000 NDT (khoảng 498 triệu).”
Bên cạnh gánh nặng tài chính, việc một mình chăm sóc hơn 200 chú chó không phải điều dễ dàng: “Đôi lúc cô cũng cảm thấy kiệt sức. Nhiều khi còn ngủ gật trên đường về. Cô cũng bắt đầu nghĩ đến việc sẽ tìm ngôi nhà tốt hơn cho chúng.
Cô định chuyển một vài đứa đến trại cứu hộ động vật khác. Có nhiều nơi nhận nuôi chó mèo hoang với nhiều người cùng tham gia hỗ trợ hơn ở đây. Nếu là cá nhân nhận nuôi thì cô phải kiểm tra thông tin kỹ càng, chủ yếu người chủ phải có trách nhiệm. Được nuôi trong những gia đình có điều kiện sẽ có thể giúp chúng có cuộc sống tốt hơn.”
Người phụ nữ lập trạm cứu hộ, cứu hàng trăm động vật giữa chiến sự Ukraine
Bà Asya Serpinska đã quyết định ở lại vùng chiến sự, chăm lo cho những động vật bị bỏ rơi giữa những đợt pháo kích.