Nguy cơ ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết

Đầu tháng 1/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã khánh thành và đưa vào khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Điều này góp phần quan trọng giúp kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2021 của ngành hàng không được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi “bầu trời” được thông thoáng, nguy cơ ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lại rất lớn.

Thoáng bên trong, lo kẹt bên ngoài

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và các đường lăn. Khi đưa vào khai thác, dự án sẽ khôi phục năng lực khai thác, tăng sự linh hoạt trong điều hành bay và an toàn khai thác.

Do tác động của dịch COVID-19, trong dịp tết năm nay, các hãng hàng không Việt Nam sẽ không khai thác các đường bay quốc tế như thường lệ mà tập trung vào các đường bay nội địa nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn Tết Tân Sửu 2021, các hãng hàng không đã lập kế hoạch khai thác trung bình hơn 1.000 chuyến bay nội địa/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2020; trong đó, ngày cao điểm nhất đạt 1.200 chuyến bay/ngày, tăng 25,3% so với tết năm trước.

Đối với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các chuyến bay cũng sẽ tăng khi các hãng mở thêm đường bay từ TP.HCM đi các địa phương. Cụ thể, Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), công ty con của Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại đường bay giữa TP.HCM và Rạch Giá (Kiên Giang) để phục vụ nhu cầu đi lại dịp cao điểm tết. Trong khi đó, Vietravel Airlines cũng mở bán vé phục vụ các chuyến bay của hãng từ TP.HCM đến Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang trong dịp tết.

ket-xe-san-bay-tan-s.jpg
Khu vực trước sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe. Ảnh minh họa

Điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên tình hình giao thông tại các tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã thường xuyên “quá tải” như Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… trong dịp Tết Tân Sửu sắp tới.

Ghi nhận thực tế trong dịp Tết dương lịch vừa qua, dù lượng hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất không quá đông, tuy nhiên tình hình ùn tắc giao thông cục bộ vẫn xảy ra chiều 31/12/2020. Trong khi đường Trường Sơn hướng vào sân bay khá thông thoáng, thì ở chiều ngược lại, từ sân bay ra nút giao Cộng Hòa bị ùn ứ nghiêm trọng do lượng xe ô tô khá lớn từ sân bay đi ra. Chỉ khi các lượng lượng chức năng tổ chức điều tiết, tình hình giao thông mới ổn định trở lại, tuy nhiên các phương diện di chuyển vẫn khó khăn.

Tính đến cuối năm 2020, số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông tại TP.HCM là 18 điểm, trong đó có các điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất tại quận Tân Bình như giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; đường Trường Chinh, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý.

Theo Ban An toàn giao thông quận Tân Bình, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn hiện chưa đáp ứng và theo kịp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông. Tình trạng các phương tiện tham gia giao thông dày đặc, tỏa kín trên các tuyến đường trên địa bàn quận và các tuyến đường ra vào sân bay vào giờ cao điểm hoặc khi gặp cơn mưa lớn, va chạm giao thông… gây nên tình trạng ùn ứ giao thông ở một số tuyến đường, nhất là các tuyến đường xung quang khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

“Mòn mỏi” các dự án giảm ùn tắc

Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp cũng như đầu tư các các dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay. Trong giai đoạn 2017 - 2018, một số dự án trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của TP.HCM lần lượt được triển khai và đưa vào sử dụng như cầu vượt Trường Sơn trước cổng sân bay, cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn và dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám.

Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ các dự án quan đã hoàn thành. Nhiều dự án khác dù được phê duyệt, có kế hoạch triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động” do vướng mặt bằng; trong đó có các dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý…

Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám được phê duyệt ngày 28/10/2016. Hiện dự án đã xong công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng các gói thầu xây lắp và gói thầu tư vấn giám sát. Trong khi đó, dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long được duyệt chủ trương đầu tư 21/4/2016, đã có quyết định đầu tư và duyệt bản vẽ thiết kế thi công. Cả hai dự án rất quan trọng này đều dự kiến khởi công trong năm 2020, nhưng gặp vướng mắc trong quá trình phê duyệt đơn giá bồi thường nên chưa triển khai.

Theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), trong năm 2021, Ban sẽ hoàn tất thủ tục khởi công một số dự án xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối năm 2021 như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ công doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa; cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long.

Tuy nhiên, đây là kế hoạch dự kiến của Ban Giao thông trong trường hợp UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý III/2021, thì các đơn vị sẽ khởi công dự án vào quý IV/2021. Thực tế, vấn đề bàn giao mặt bằng cho các dự án này đã kéo dài rất lâu và đã nhiều lần trễ hẹn.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu các nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trong điểm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái… Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng triển khai chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các công trình theo kế hoạch.

Khi các công trình chưa được thi công, giải pháp giảm ùn tắc được Thành phố đưa ra là tăng cường phân luồng, điều tiết giao thông quanh khu vực này, nhất là trong dịp cao điểm. Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông những ngày trước và sau Tết Tân Sửu 2021, lực lượng liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, cảnh sát giao thông, công an các quận huyện, lực lượng thanh niên xung phong... sẽ tăng cường 100% quân số túc trực 24/7 ở các điểm nóng giao thông, những điểm có nguy cơ ùn tắc. Đồng thời, các đơn vị cũng thành lập tổ phản ứng nhanh tác chiến trực tiếp thông qua các nhóm trên Viber, Facebook, Zalo…nhằm cập nhật hình ảnh nhanh nhất từ camera, lập tức họp bàn đưa ra phương án xử lý.

Cuối tháng 12/2020, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Kế hoạch được triển khai nhằm tránh xảy ra ùn tắc kéo dài khu vực cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe khách. UBND Thành phố đề nghị các lực lượng chức năng ứng trực thường xuyên trên các tuyến giao thông trọng điểm, trục đường chính, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc cao; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.

(Nguồn: TTXVN)

HOÀNG ANH