Nhiều ngân hàng đã cạn room khi nửa đầu năm chưa đi qua

Tăng trưởng tín dụng quý I/2022 là 5,04%, gần gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (tăng 1,26%). Xu hướng này vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện tượng cạn room cũng đã xuất hiện ở không ít ngân hàng khi chưa hết nữa năm.

Việc cạn room chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà băng hiện nay cũng đã đa dạng hóa nguồn thu nhập và không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Đà tăng trưởng tín dụng mạnh vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối 2021, tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó trong buổi họp báo "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%" ngày 27/05. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 7,75% gần gấp đôi mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát tại các ngân hàng, việc mở rộng hoạt động tín dụng cũng có phần chật vật hơn từ thời điểm đầu quý II do cạn room tăng trưởng.

Về những tác động đối với các doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá, có những hoạt động kinh tế cần ưu tiên và phải được bơm vốn nhanh, song vì cạn room tín dụng mà đà phục hồi đã bị giới hạn khá chặt. Bên cạnh đó, có những ngành có độ trễ trong nhịp phục hồi. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp này là có và sẽ xuất hiện trong tương lai. Việc sử dụng hết room tín dụng trong hiện tại cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến nhóm này.

NHNN sẽ nới room tín dụng trong thời gian tới, song mức độ nới có thể sẽ không quá nhiều. Việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không nới room là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu có thì chắc chắn sẽ khiến một số các hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ thực sự cần vốn và có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế bị giới hạn phát triển.

Còn về phía các NHTM, trong điều kiện bình thường, nhóm này đóng vai trò như các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, các định chế trung gian tài chính, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp hiệu quả cho việc điều phối nguồn vốn hay lưu thông các dòng tiền.

Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn như hiện nay thì các NHTM cần nỗ lực thực hiện một vai trò rất quan trọng mà không phải ai cũng biết đó là công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô của nhà nước. Các NHTM hoàn toàn có thể chủ động đề ra giải pháp hay tích cực tham gia xây dựng cơ chế giúp hệ thống tài chính có thể bơm vốn hiệu quả.

Việc cạn room chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng các ngân hàng, nhất là những nhà băng đã hết hạn mức. Thời gian gần đây, các ngân hàng khá dồi dào thanh khoản. Điều này đồng nghĩa với việc lượng huy động vào nhiều, song lượng cho vay ra lại ít.

Trước đây, khi gặp tình trạng này các ngân hàng thường sẽ chọn mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu phát hành cũng không nhiều. Bộ tài chính cũng đã bắt đầu rà soát và thanh tra lại các hoạt động trên thị trường này và các ngân hàng cũng không mạnh tay như trước. Hiện nay, chỉ còn lại một kênh là trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ cho lợi suất không cao.

Không chỉ người đi vay mới chật vật khi các ngân hàng cạn "room" tín dụng. Chính các nhà băng cũng phải lo lắng khi nguồn tiền vẫn dồi dào nhưng khả năng giải ngân lại nhỏ giọt. Tín dụng không đẩy được ra ngoài, lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia của VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2022 có phần chậm hơn so với cùng kỳ. Trong đó có VietinBank và OCB có tăng trưởng lợi nhuận giảm lần lượt là 27% và 34%.

Khảo sát cho thấy, phần lớn ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mức được cấp từ đầu năm. Nếu như không sớm được nới room, việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Tín dụng chậm lại cũng đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh VND chịu áp lực mất giá. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.

Tuy nhiên, với áp lực từ lạm phát cũng như nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong quá trình hồi phục kinh tế, nhiều chuyên gia phân tích cùng quan điểm rằng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng trong thời gian tới.

Tổng Hợp