Cụ thể, BIDV giảm đồng loạt 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn 1-11 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng sau khi giảm chỉ còn 2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,3%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,3%/năm.
Trong khi đó, Agribank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng, chỉ còn 1,8%/năm, đồng thời giảm mạnh 0,4 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng xuống còn 2,1%/năm.
Đối với lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng, Agribank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất xuống còn 3,4%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm sau khi giảm 0,3 điểm phần trăm. Các kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,2%/năm sau khi giảm tương tự.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6-9 tháng được VietinBank niêm yết ở mức 3,2%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với trước đó.
Như vậy, cả ba ngân hàng thương mại nhà nước trên đều có chung mức lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ 5-5,3%/năm. Trong đó, Agribank và VietinBank đã đưa lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng về dưới 2%/năm.
Cũng trong sáng nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lần thứ hai kể từ đầu tháng thực hiện giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 1-12 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến được SHB áp dụng từ ngày 17/1, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,4%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 2 tháng lại được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,5%/năm, trong khi các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng cùng giảm 0,1 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống lần lượt: 3,7% - 3,8% - 3,9%/năm, theo VTC News.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6-8 tháng tại SHB cũng được đưa về mức 4,9%/năm sau khi giảm 0,1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm thêm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5%/năm; kỳ hạn 10 và 11 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 5,1%/năm.
Đó cũng là mức giảm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, lần lượt còn 5,3% và 5,4%/năm.
Hôm nay cũng lần thứ hai kể từ đầu tháng lãi suất tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được điều chỉnh.
Biểu lãi suất huy động trực tuyến của VIB cho thấy, lãi suất kỳ hạn từ 6-11 tháng đồng loạt giảm 0,1 điểm phần trăm. Hiện lãi suất mới của kỳ hạn 6-11 tháng là 4,5%/năm.
Trước đó, từ ngày 12/1, Vietcombank cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm ở loạt kỳ hạn. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng chỉ còn 4,7%/năm dành cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Hiện lãi suất Vietcombank thấp nhất trong nhóm Big 4 (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank), đồng thời cũng là một ngân hàng có biểu lãi suất huy động thấp nhất thị trường.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 8/1, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, theo An ninh Tiền tệ.
Theo đó, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất từ trước đến nay, và ước tính riêng quý 4 tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
Trong bối cảnh lượng tiền gửi tăng mạnh, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ còn dao động trong khoảng 6,5%/năm và cũng không nhiều nhà băng sẵn sàng trả mức này (không tính khách hàng VIP gửi khoản tiền lớn).