Những điều bất ngờ về Joe Biden, người vừa 'đụng độ' với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Joe Biden từng hai lần thất bại trong việc giành vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ ở năm 1988 và 2008.

Ông Joe Biden  (Joseph Robinette Biden, Jr.) sinh ngày 20/11/1942, đang là ứng cử viên Tổng thống Mỹ đại diện cho Đảng Dân chủ. Ông có hơn nửa thế kỷ làm việc trong lĩnh vực công của Mỹ, là thượng nghị sĩ và làm Phó Tổng thống suốt 8 năm nhiệm kỳ của ông Obama.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ  Joe Biden  hôn lên trán vợ ông, bà Jill Biden, khi họ xuất hiện trong sự kiện truyền hình trực tiếp từ bang nhà Delaware, Mỹ ngày 18/8. Ảnh: Reuters
Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden hôn lên trán vợ ông, bà Jill Biden, khi họ xuất hiện trong sự kiện truyền hình trực tiếp từ bang nhà Delaware, Mỹ ngày 18/8. Ảnh: Reuters

Thượng nghị sĩ ở tuổi 30

Sinh ra và lớn lên ở Scranton, Pennsylvania, Hoa Kỳ, năm 10 tuổi, gia đình Joe Biden chuyển đến Delaware. Ông tới Washington lần đầu vào năm 1970, với tư cách là thành viên phe chống chiến tranh Việt Nam của Đảng Dân chủ. Biden được đào tạo luật sư và trở thành Thượng nghị sĩ năm 1973 ở tuổi 30, thượng nghĩ sĩ trẻ thứ sáu trong lịch sử của nước Mỹ, theo Wikipedia.

Ông đã phục vụ cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm chính về vấn đề thuốc kích thích, phòng ngừa tội phạm và quyền tự do của công dân. Ông đồng thời cũng là một thành viên lâu năm, là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và đã làm việc với các vấn đề về Chiến tranh Nam Tư cũng như Chiến tranh Iraq.

Biden cũng từng hai lần thất bại trong việc giành vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ ở năm 1988 và 2008. Trong nhiệm kỳ thượng nghị sĩ thứ 6 liên tiếp của mình, Biden là người có thâm nhiên lâu thứ 6 so với tất cả thượng nghị sĩ hiện tại.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và con trai Beau năm 2008. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và con trai Beau năm 2008. Ảnh: Reuters

Ngay khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cũng chính thức trở thành Phó Tổng thống của đất nước với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiệm kỳ của ông Biden kéo dài từ ngày 20/1/2009 đến ngày 20/1/2017, đúng 8 năm tròn.

Trước khi trở thành Phó Tổng thống, ông Biden là Thượng nghị sĩ của bang Delaware suốt từ tháng 1/1973 đến tháng 2/2009.

Sự nghiệp chính trị của ông Biden được cả nước Mỹ biết tới. Tuy nhiên, gia cảnh của ông thì người ta mới biết vào năm 2016, khi ông nói về việc định bán nhà lấy tiền cứu chữa cho người con trai, Tổng chưởng lý bang Delaware Beau Biden, bị ung thư, theo Trí thức trẻ.

Người ngăn cản ông Biden bán nhà chính là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, và hứa cho ông mượn tiền để trị bệnh cho con trai. Diễn biến tiếp theo không được ông Biden chia sẻ, nhưng những gì được kể cũng đủ khiến thế giới kinh ngạc.

Bên cạnh sự trân trọng tình cảm của hai nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ dành cho nhau, người ta càng không thể ngờ một Phó Tổng thống Mỹ lại phải nghèo đến mức bán nhà lấy tiền chữa bệnh cho con.

Joe Biden (phải) và Obama tại Washington D.C. tháng 12/2016. Ảnh: Reuters
Joe Biden (phải) và Obama tại Washington D.C. tháng 12/2016. Ảnh: Reuters

Căn bệnh ung thư não đã cướp đi người con trai của ông Biden vào tháng 5/2015. Nỗi đau tột cùng cũng chính là lý do khiến ông Biden không tham gia cuộc đua Tổng thống năm 2016, dù có nhiều lợi thế, đặc biệt nhất là sự ủng hộ của Tổng thống Obama.

Cuộc đua năm đó, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã không thể chiến thắng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump , ông trùm tài phiệt bất động sản New York.

Vượt qua tất cả các đối thủ, ông Biden đang có cơ hội làm những gì mà bà Clinton đã bỏ lỡ trong cuộc đua 4 năm trước.

Cái chết của người con trai, dù rất đau đớn, đã không thể kéo gục ông Biden khỏi những tâm huyết với nước Mỹ. Chống lại ông Trump - một chính trị gia phi truyền thống, bề dày kinh nghiệm của ông Biden chính là điều được nhiều người kỳ vọng, làm giảm sóng gió trên chính trường Mỹ.

Trở lại với cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Biden một lần nữa cho thấy mình có thể vượt qua những bi kịch đau đớn tới tột cùng.

Năm 1972, khi chuẩn bị bước chân vào Thượng viện, ông Biden mất vợ và con gái mới sinh trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc. Hai người con trai của ông là Beau và Hunter bị thương nặng. Bi kịch gia đình từng khiến ông suýt gục ngã.

Ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào Thượng viện cạnh giường bệnh con trai năm 1973. Ảnh: Twitter
Ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào Thượng viện cạnh giường bệnh con trai năm 1973. Ảnh: Twitter

Ông Biden đã vượt qua. Ông tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ Mỹ bên cạnh giường bệnh của hai cậu con trai, những đứa trẻ còn chưa kịp bình phục sau vụ tai nạn cướp đi mẹ và em gái. Hình ảnh này đã khiến cả nước Mỹ rúng động và nể phục. Sự ra đi của Beau và quyết định chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa cho thấy Biden sẽ tiếp tục đứng lên, chiến đấu cho những gì ông tin tưởng.

Đối đầu với Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Khi khủng hoảng COVID-19 bùng lên, ông Biden đã làm mọi cách để cử tri nhìn ông với hình ảnh của một tổng tư lệnh. Những khuyến nghị ông Biden đưa ra đều dựa trên lời khuyên của các chuyên gia kinh tế và y tế. Một trong những đề xuất là xét nghiệm đại trà và miễn phí, nhằm tìm ra những người nhiễm virus. Phản ứng gay gắt cách làm của Chính quyền Trump, ông Biden mô tả đó là quá chậm.

Ông Biden là Phó Tổng thống khi chính quyền Obama thông qua đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, hay còn được gọi với cái tên Obamacare. Chăm sóc sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu của ông Biden.

Bi kịch của bản thân, với vụ tai nạn mất vợ và con gái năm 1972, cùng nỗi đau mất con trai vì ung thư năm 2015, khiến ông Biden dành sự quan tâm to lớn cho lĩnh vực này.

Trump (trái) và Biden tranh luận. Ảnh chụp màn hình kênh ABC News.
Trump (trái) và Biden tranh luận. Ảnh chụp màn hình kênh ABC News.

Nhiều thập kỷ đảm trách vai trò Thượng nghị sĩ, ông Biden tin tưởng vào giá trị của chế độ lưỡng đảng, và muốn mở rộng các cuộc trao đổi với đảng Cộng hòa, ngay cả trong thời điểm nhiều người trong đảng của ông không nhìn thấy khả năng đàm phán với các đối tác bên kia.

Là cựu Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện, ông Biden cũng say sưa nói về việc khẳng định và bảo vệ vai trò của Mỹ, với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu.

Về phần mình, theo đuổi tham vọng "Nước Mỹ là trên hết", ông Trump đang để trống vai trò lãnh đạo toàn cầu mà nước Mỹ vốn đã làm từ nhiều thập niên qua. Thậm chí, ông Trump còn cắt viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cũng như rút khỏi các hoạt động đa phương vì không nhìn thấy lợi ích cho nước Mỹ.

"Nếu chúng ta để ông Donald Trump lãnh đạo Nhà Trắng trong 8 năm, chúng ta sẽ mãi mãi mất đi bản ngã của đất nước này cũng như chúng ta là ai. Tôi không thể đứng nhìn điều đó xảy ra", ông Biden nhấn mạnh.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương