Có không ít khu vực ghi nhận mức tăng nóng về giá, song cũng có không ít khu vực tăng giá “chỉ diễn ra ở miệng sales”, trong khi thực tế nhà đầu tư không thể thoát hàng. Những từ khóa “nóng sốt cục bộ”, “giá nhà đất tăng phi mã”… liên tục được nhắc tới...
Trong khi thị trường nhà đất ở một số địa phương diễn biến có thăng, có trầm, thì ở nhiều nơi khác, “cơn điên” của giá đất dường như kéo dài không dứt, tạo hiện tượng “sốt giá” cục bộ.
Chẳng hạn, tại Khánh Hòa, thông tin quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay khiến giá đất khu vực này không ngừng nhảy múa. Ông Năm, một người dân xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm cho biết, giá đất nơi đây tăng từng ngày khi có thêm tin tức một tập đoàn lớn dự định làm dự án đại đô thị. Nhiều lô đất trước kia có giá dưới 100 triệu đồng/mét ngang, nay tăng lên 180 triệu đồng/mét ngang, thậm chí có nơi đạt 300 triệu đồng/mét ngang, không hiếm lô đất vườn tăng giá 3-4 lần trong thời gian ngắn.
Tương tự, giá đất nhiều khu vực ở Quảng Ninh cũng tăng phi mã thời gian qua và có nhiều dấu hiệu của việc tạo sốt ảo từ giới đầu cơ.
Tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá đất cũng có xu hướng tăng từ đầu năm 2021 và đạt đỉnh vào tháng 9/2021 với giá bán trung bình 3,8 triệu đồng/m2, trước khi “hạ nhiệt” về quanh mức 1,6-1,8 triệu đồng/m2 vào cuối quý I/2022.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Nguồn cầu khu vực này tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 9-11/2021, sau đó giảm dần đến đầu năm 2022. Từ đầu tháng 3/202, số lượt quan tâm bắt đầu nhích tăng, song lượng giao dịch không có nhiều biến động.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc xảy ra tình trạng “sốt đất ảo” là do các đối tượng “cò mồi” dùng chiêu trò đẩy giá, mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế để xây nhà ở của người dân. Giới đầu cơ chỉ tập trung vào các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện bán ra thị trường, chứ không nhằm vào đất đai đã có sổ đỏ, bởi lẽ đất sổ đỏ được chính quyền địa phương áp giá theo từng nơi, trong khi việc sang tên giấy góp vốn do “cò” mặc sức thổi giá mà không bị kiểm soát.
Cũng theo ông Đính, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Với các tuyến đường cao tốc hiện hữu, du khách chỉ mất chưa đầy 2 giờ để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh. Mặt khác, Quảng Ninh nằm trong “tam giác kinh tế” năng động nhất khu vực phía Bắc, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, lại có bề dày lịch sử văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, nên du khách có thể trải nghiệm nhiều hình thức du lịch hấp dẫn tại đây như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa… “Đặc biệt, địa phương này còn nhiều dư địa phát triển du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng trong tương lai gần”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo số liệu của DKRA Vietnam, trong quý I/2022, Đồng Nai ghi nhận mức giá bán sơ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự tăng 8-12% so với quý IV/2021. Cả nguồn cung mới lẫn sức cầu các phân khúc này được dự báo sẽ tiếp tục trong quý II/2022 với khoảng 800 căn cung cấp ra thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp cũng trong xu hướng tăng do chi phí đầu vào tăng.
Nếu thị trường địa ốc phía Nam có Đồng Nai là điểm nhấn, thì với TP.HCM, 3 huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi được ví như “của để dành”. Trong khi Bình Chánh đã khá phát triển, Cần Giờ nhiều lần sốt đất và cũng có quy hoạch các đại đô thị lớn, thì Củ Chi vẫn được xem như “vùng trũng”. Tuy nhiên, theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, trong thời gian tới, “vùng trũng” này sẽ rất phát triển, đáng để nhà đầu tư khai thác.
Lý giải rõ hơn cho quan điểm này, ông Chánh cho biết, đầu tiên, Củ Chi có thế mạnh đặc biệt bởi quỹ đất còn rất lớn và giá bán cũng rất rẻ. Giá đất nông nghiệp ở Củ Chi nhiều khu vực chỉ vài trăm nghìn mỗi mét vuông. Trong lịch sử phát triển các đô thị, TP.HCM thường ưu tiên phía Đông, Đông Nam trước, sau đó mới đến phía Tây và Tây Bắc. Hiện nay, phía Đông và Nam Thành phố gần như đã phát triển hoàn thiện, cho nên khu vực phía Tây Bắc với huyện Củ Chi là trung tâm sẽ được chú trọng phát triển.
Kế tiếp, cơ sở hạ tầng kết nối giữa TP.HCM với khu vực Tây Bắc đang được quan tâm đầu tư, đáng chú ý nhất là tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài chiều dài 50 km quy mô 8 làn xe. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 15.900 tỷ đồng dự kiến tới năm 2025 sẽ hoàn thành. Tuyến cao tốc này sẽ là mạch nối lưu thông hàng hóa từ Tây Bắc về TP.HCM xuống Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Quy hoạch đô thị xuất phát từ hiện trạng đô thị, dựa trên các dự báo dài hạn để vạch ra hướng phát triển mong muốn trong tương lai nhằm đạt tới mục tiêu đô thị hiện đại và phồn vinh hơn, có môi trường sống tốt hơn. Thị trường bất động sản quan tâm đến việc kiếm tìm lợi nhuận trong việc phát triển một khu vực nhất định, trong thời hạn nhất định thuộc giai đoạn nào đó của quy hoạch, thu hồi nhanh vốn đầu tư và thu được lợi nhuận. Đối với một nhà phát triển dự án, tiêu chí đặt ra cho mỗi dự án là vừa phải phù hợp với quy hoạch, vừa đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Tổng Hợp