Niềm tin của người tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn vẫn chưa trở lại

Các hộ gia đình vẫn đang cảm thấy khó khăn trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bất chấp nền kinh tế đang phục hồi ở nhiều quốc gia.

Theo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của OECD, vào tháng 4, niềm tin của người tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến thấp hơn 1,6% so với tháng 4/2019. Ở Mỹ, tỷ lệ này thấp hơn 2,3% trong khi ở khu vực đồng Euro thấp hơn 2,2%.

Trong 4 năm qua, niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, sau đó phục hồi mạnh mẽ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, rồi lại sụt giảm khi lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia.

Niềm tin của người tiêu dùng hiện đang có dấu hiệu cải thiện so với mức giảm sâu của năm ngoái, tăng 1,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái ở các nước OECD. Điều này là do nền kinh tế Anh và Eurozone đều tăng trưởng trở lại trong năm nay, trong khi tăng trưởng của Mỹ chậm lại trong quý đầu năm nay nhưng nền kinh tế đã mở rộng kể từ năm 2022.

Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở dưới mức trung bình dài hạn ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, điều này đang gây thách thức cho các chính trị gia đang vận động tranh cử trên khắp thế giới trong năm nay.

Niềm tin của người tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn vẫn chưa trở lại- Ảnh 1.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng OECD.

Yael Selfin, nhà kinh tế tại KPMG cho biết: "Một phần lớn dân số thế giới đã bị hạn chế đáng kể về thu nhập thực tế và điều này vẫn chưa được đảo ngược hoàn toàn. Chúng ta đang ở trong tình trạng trì trệ, mất đi rất nhiều sức mua, căng thẳng ở khắp mọi nơi và các chính phủ không có nhiều tiền để chi tiêu".

Tăng trưởng kinh tế của Anh trong quý 1/2024 đã vượt xa Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu và tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021 ở mức 0,6%. Tuy nhiên, sản lượng bình quân đầu người của Anh vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Lạm phát ở Anh cũng tăng cao hơn so với khu vực đồng Euro và Mỹ trong hầu hết hai năm qua, khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm đặc biệt mạnh hơn.

Vào năm 2022, lạm phát đạt đỉnh điểm là 9,1% ở Mỹ và đạt mức kỷ lục 10,6% ở khu vực Eurozone, lần lượt do thị trường lao động thắt chặt và cú sốc giá năng lượng sau khi xung đột Nga-Ukraina diễn ra. Cả hai yếu tố này cũng góp phần gây ra áp lực giá cao ở Anh, với lạm phát đạt đỉnh điểm là 11,1% trong năm 2022.

Trong khi lạm phát đang giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn, giá cả vẫn cao hơn khoảng 20% so với mức tháng 1/2021 ở Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tiền lương đã không theo kịp lạm phát và vẫn ở dưới mức cuối năm 2019 trong quý 3/2023 tại 20 trong số 35 quốc gia OECD.

Niềm tin của người tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn vẫn chưa trở lại- Ảnh 2.

OECD cho biết, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không được mất cảnh giác trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát.

Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown cho biết: "Mặc dù lạm phát đang giảm bớt nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với cách đây vài năm và mọi người vẫn chưa điều chỉnh theo thực tế mới này".

Bên cạnh đó, những cú sốc bất ngờ lặp đi lặp lại, từ đại dịch, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, căng thẳng địa chính trị và quan hệ thương mại đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng nghĩa với việc "người ta lo ngại về những gì có thể xảy ra bên cạnh triển vọng kinh tế và tài chính cá nhân".

Tác động lên tài chính hộ gia đình do giá cả tăng cao thể hiện rõ ràng ở mức tiêu dùng hộ gia đình, vốn đã trì trệ trong 4 năm qua ở Anh và Eurozone.

Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại công ty đầu tư T Rowe Price cho biết, một yếu tố khác khiến tâm lý người tiêu dùng ở mức thấp là chính sách tiền tệ thắt chặt hơn so với mức trước đại dịch. Lãi suất thế chấp đã giảm so với mức đỉnh năm 2023, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với ba năm trước ở Mỹ, Anh và Eurozone.

(Nguồn: FT)

TÚC