Niều ngân hàng đã chạm ngưỡng tối đa 30%, trong khi số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại

Được ví là cổ phiếu vua hay cổ phiếu hoa hậu, nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà ngay cả khối ngoại cũng rất tích cực nắm giữ. Dù vậy, khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư này là khá lọc lõi và không dàn trải. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tối đa 30%, trong khi số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại.

Dù đã kín room hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng này đều mong được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm có dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.

"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội," ông Hùng nhấn mạnh.

Số liệu từ trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MB, MSB, VIB, OCB, Techcombank, TPBank.

Điểm chung của những ngân hàng trên là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định để tạo dư địa huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).

Với những cổ phiếu trong nhóm này, chỉ cần "hở'' room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt. Đơn cử như trường hợp VPBank, ngay sau khi nới room ngoại từ 15% lên 17,5% vào ngày 4/3, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng hơn 23 triệu cổ phiếu, đẩy mã này tăng mạnh.

Tại các cổ phiếu như ACB, MBB hay TCB, tỷ lệ sở hữu khối ngoại cũng gần như "bất động’’ tại mức tối đa cho phép.

Ở chiều ngược lại, vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến, như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank,…

Trong số này, nhiều ngân hàng đã khóa room ngoại ở mức rất thấp để "giữ chỗ" cho đối tác chiến lược như SeABank (5%) hay LienVietPostBank (5%). Số khác muốn khoá room ngoại để giảm bớt ảnh hưởng của nhóm này đối với giá cổ phiếu và cấu trúc cổ đông.

Nói về nguyên nhân giảm tỷ lệ nước ngoài xuống chỉ còn 5%, HĐQT Ngân hàng Bản Việt Cho biết, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông động khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lại.

"Điều này có khả năng làm ảnh hướng rất đáng kể đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian tới", HĐQT ngân hàng hay.

Vì vậy, HĐQT Bản Việt cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là hết sức cần thiết để ổn định giá cổ phiếu, bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong nước và nâng cao năng lực của ngân hàng.

Tương tự, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đợt thoái vốn của Petrolimex, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại ở mức 2% vốn điều lệ.

Tổng Hợp