Thông tin này được ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chia sẻ, theo Tiền Phong.
Dù phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia khoảng 30 năm, song với những nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sự phát triển nhanh trong hai năm trở lại đây.
Sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, 2 năm qua, thị trường ô tô Việt ghi nhận kết quả tăng trưởng nhanh, nổi lên mạnh mẽ của 3 DN gồm TC Motor, Trường Hải (Thaco) và VinFast.
Triển lãm VMS 2019. |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, dù phát triển nhanh về số lượng song ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự.
Ngành chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay chỉ có một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Việt Nam hiện phải nhập khẩu hầu hết nhóm sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận linh kiện quan trọng (80% linh kiện phải nhập khẩu).
Thực tế, Việt Nam mới chỉ nội địa hóa được các linh kiện cồng kềnh như ghế ngồi, bộ dây điện. Ảnh: VnExpress. |
Một dẫn chứng dễ nhận thấy, nắp bình xăng, báo giá của nhà cung cấp trong nước bán ra thị trường gần 4 USD, cao hơn gấp đôi so với nhập khẩu sẵn từ Thái lan. Chênh lệch chi phí 200 - 300% cũng áp dụng cho những linh kiện nhựa hoặc dập cỡ trung bình khác. Và khoảng chênh lệch thậm chí còn lớn hơn đối với các linh kiện ở các lớp cao hơn.
Đại diện VAMA cho biết, chi phí linh kiện đắt đỏ dẫn đến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN 10 - 20%. Đáng chú ý hơn, chi phí nhập khẩu xe nguyên chiếc chỉ chiếm khoảng 5% so với tổng giá thành xe, trong khi đối với linh kiện, tỷ lệ này có thể tăng lên tới 20 - 30%”,
Sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2018 đạt 258.116 xe, tăng lên 330.000 xe năm 2019; 9 tháng đầu năm 2020 dù ảnh hưởng COVID-19 nhưng sản lượng ô tô vẫn đạt trên 160.000 chiếc.
Nhờ Nghị định 70 của Chính phủ, các xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang được giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết ngày 31/12/2020. Thế nhưng, một số hãng xe tiếp tục ưu đãi thêm 50% cho một số mẫu xe đưa mức ưu đãi lệ phí trước bạ lên 100% như: Honda CRV, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0 .
Vì là xe nhập khẩu nên không được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 70 của Chính phủ nên để tăng khả năng cạnh tranh, kích thích khách hàng mua sắm, một số hãng xe nhập khẩu đã mạnh tay tặng lệ phí trước bạ cho khách hàng từ 50 - 100%. Điển hình như MG, Suzuki, Audi tặng 50%, còn Volkswagen, BMW tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe.
(Tổng hợp)