Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh nhường vắc-xin cho TP HCM

Ông nhấn mạnh chỉ cần chúng ta thực hiện đúng theo Chỉ thị 16, ai ở đâu yên đấy, nhà cách ly với nhà thì dịch bệnh sẽ không bùng phát.

Ngày 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết suốt những ngày qua, ông đã trực tiếp tìm hiểu, trao đổi với lãnh đạo TP HCM, bộ phận thường trực của các bộ, ngành, báo cáo với Thủ tướng, thống nhất một số điều chỉnh.

"Chúng ta không được nhầm những biện pháp điều chỉnh cho khu vực TPHCM mà áp dụng cho cả nước thì rất nguy hiểm. Ngay trong khu vực TP HCM, có những vùng còn tương đối an toàn vẫn phải thực hiện truy vết đến F1, F2, ví dụ như một số xã ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ "- Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cho rằng có một số nguyên tắc không được thay đổi, phải áp dụng các biện pháp chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành Quyết định 2686 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19, với 4 mức nguy cơ (rất cao, cao, nguy cơ, bình thường mới). Mức rất cao (vùng đỏ) áp dụng Chỉ thị 16 và cao hơn Chỉ thị 16; mức cao (vùng da cam) áp dụng Chỉ thị 15.

Lãnh đạo các địa phương phải nắm vững tinh thần Quyết định 2686, chỉ đạo cập nhật tình hình dịch bệnh ở địa phương lên hệ thống toàn quốc, từ đó Ban Chỉ đạo sẽ phân tích, đưa ra cảnh báo.

"Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực TP HCM, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra, vì phải hằng tháng nữa mới kiểm soát được tình hình ở khu vực này"- Phó Thủ tướng nói.

Ông Vũ Đức Đam nêu rõ  phải truy vết, cách ly F0, F1 trừ những nơi thí điểm dần dần cách ly F0 ở nhà an toàn, còn những nơi có ít ca nhiễm thì phải truy vết đến cùng, thậm chí là F2, F3. Khoanh vùng, thực hiện giãn cách phải nghiêm ngay từ đầu.

Các địa phương quán triệt tinh thần khoanh hẹp nhỏ nhất có thể, còn khi chưa đủ căn cứ thì tạm thời khoanh rộng, khẩn trương điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây, một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái. Trong khi giá thành một bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh còn đắt hơn một liều vaccine mà nhiều nơi xin hỗ trợ mua hàng trăm nghìn, hàng triệu bộ. Dàn hàng ngang xét nghiệm, ngoài việc tốn kém chi phí thì còn rất nguy hiểm vì gây tâm lý chủ quan cho người dân, khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì không tuân thủ đầy đủ 5K.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải rất sáng tạo và thực tiễn. Từ mô hình điều trị "tháp 3 tầng" của Bộ Y tế, TP HCM đã phân chia thành 5 lớp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP HCM và các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng y tế tư nhân vào ngay từ đầu, từ điều trị cho đến tiêm vắc-xin. Chính phủ giao Bộ Y tế phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho các địa phương nhưng trong lúc này, tình hình tại khu vực TP HCM đã khác.

Chiến lược hiệu quả nhất lúc này đối với khu vực TP HCM là phải tập trung tiêm vắc-xin hết cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Sau đó, sẽ khoanh gọn khu vực này, không để dịch lây lan ra khu vực khác. Điều này rất quan trọng bởi vì vắc-xin chỉ có đầy đủ tác dụng bảo vệ sau khoảng 1,5 tháng.

Người tiêm vắc-xin rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác nhưng tỷ lệ diễn biến bệnh nặng sẽ ít đi. Nếu không, số người bị bệnh nặng và tử vong sẽ rất nhiều, khi toàn bộ hệ thống điều trị, dù có tăng cường chi viện thêm, nhưng sau thời gian dài sẽ vô cùng mệt mỏi, để lây nhiễm trong đội ngũ y tế.

"Tôi trực tiếp chứng kiến tận mắt những vất vả của nhân dân và lực lượng chống dịch TP HCM. Tôi nhận thức sâu sắc nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chúng ta chậm tiêm vắc-xin cho người dân TP HCM để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vắc-xin để TP HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TP HCM. Thời điểm này từng liều vắc-xin cực kỳ quý giá sẽ giúp được TP HCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn"- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc TP HCM sẽ tuyên truyền cho người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin. Ông đã bàn với lãnh đạo thành phố, sau khi tiêm xong vắc-xin sẽ tổ chức cho công nhân đi làm tiếp, hoặc làm các công việc công ích vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giao cho TPHCM lập kế hoạch tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể. Ông sẽ bàn rất kỹ với lãnh đạo TP HCM về phương án tiêm vắc-xin theo cụm thay vì theo đối tượng.

"Nếu lượng vắc-xin hiện tại chưa tiêm hết thì những lô vắc-xin tới đây sẽ tập trung cho TP HCM. Còn chung cả nước, chúng ta phải vẫn phải thực hiện nghiêm các văn bản phòng, chống dịch từ trước đến nay, cố gắng khống chế, không để dịch bệnh lan như TP HCM và một số nơi"- Phó Thủ tướng quả quyết.

Phó Thủ tướng cho rằng về sản xuất công nghiệp trọng tâm là rất an toàn. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TP HCM, "3 tại chỗ" ở TP HCM cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác.

Nguyên lý cần đảm bảo là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc.

Thanh Mai

Người bố ra đường sau 18h để mua bình oxy cứu con sắp có máy tạo oxy

Người bố ra đường sau 18h để mua bình oxy cứu con sắp có máy tạo oxy

Anh Lê Đình Vân đã vô cùng xúc động khi nhận được máy tạo oxy và cảm kích trước sự giúp đỡ của cộng đồng mạng.