Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) sắp chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN với giá 10.000 đồng/cp với mục đích bổ sung thanh khoản 8.000 tỷ đồng. Cổ đông chiến lược ANA Holdings được quyền mua 70 triệu đơn vị nhưng đã chuyển nhượng lại quyền mua này.
Cổ đông chiến lược ANA Holdings đến từ Nhật Bản đang nắm giữ 8,77% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua hơn 70 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, ANA Holdings đã chuyển nhượng toàn bộ quyền mua này cho người lao động của Vietnam Airlines.
Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines mới đây đã ra thông báo về việc phân phối số quyền mua nói trên "theo nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch; phân bổ đều cho các đối tượng được mua". Cụ thể, cán bộ nhân viên văn phòng và tiếp viên cơ hữu có hệ số phân bổ là 1, mỗi người được dự kiến mua tối đa 5.737 cổ phiếu, trị giá hơn 57 triệu đồng. Tiếp viên ALS (lao động thời vụ ký hợp đồng qua CTCP Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng không Alsimexco) có hệ số phân bổ là 0,5; tức là mỗi người được dự kiến mua tối đa 2.868 cổ phiếu, trị giá gần 29 triệu đồng.
70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA Holdings sẽ được phân phối cho trên 15.100 người lao động. Giá phát hành 10.000 đồng/cp tương đương khoảng 41% giá cổ phiếu HVN hiện nay trên thị trường chứng khoán. Người lao động muốn mua cổ phiếu phát hành đợt này cần mở tài khoản tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (Mã: MBS). Nếu có khó khăn về tài chính, người lao động của Vietnam Airlines có thể liên hệ với các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), để được hỗ trợ khoản vay theo nhu cầu và điều kiện thực tế.
Ngoài kế hoạch phát hành 800 triệu cổ phiếu để huy động 8.000 tỷ đồng nói trên, Vietnam Airlines còn được bổ sung thanh khoản bằng gói vay ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng là MSB, SHB và SeABank. ANA Holdings là tập đoàn sở hữu hãng hàng không 5 sao All Nippon Airways của Nhật Bản. Trong xu thế khó khăn chung của ngành hàng không toàn cầu, Vietnam Airlines đã báo lỗ kỷ lục gần 11.200 tỷ đồng trong năm 2020, dự kiến lỗ thêm 14.500 tỷ trong năm 2021. ANA Holdings cũng không phải là ngoại lệ. Trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2021, tập đoàn Nhật Bản này ghi nhận lỗ ròng kỷ lục gần 405 tỷ yen, tương đương 3,7 tỷ USD. Doanh thu giảm 63% còn gần 730 tỷ yen. Vì vậy, ANA Holdings cũng không dồi dào tiềm lực tài chính để "bơm vốn" cho Vietnam Airlines trong đợt chào bán cổ phần này.
Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến cho hoạt động hàng không bị thiệt hại nghiêm trọng. Theo Vietnam Airlines cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 9.700 lao động của tổng công ty không có công ăn việc làm. Khoảng 30% lao động phải tạm ngừng việc trong 6-12 tháng, mỗi người được tổng công ty hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.
Cương Nguyễn