Phương án bồi thường năm 2022 tối đa gấp 15 lần so với giá nhà nước

UBND TP HCM mới đây đã ban hành quyết định về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,...Phương án bồi thường năm 2022 tối đa gấp 15 lần so với giá nhà nước.

UBND TP HCM mới đây đã ban hành quyết định về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn TP HCM trong năm 2022. Quyết định này được áp dụng từ 25/8 tới đây.

Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất ở tại TP Thủ Đức và các quận từ 3-15 lần, hệ số điều chỉnh cho đất ở của 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi) từ 8-15 lần bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp từ 7-35 lần giá đất trong bảng giá do UBND TP HCM ban hành.

Trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một dự án, các cơ quan chức năng phải định giá đất cụ thể cho khu vực chuẩn bị giải phóng mặt bằng để xây dựng dự thảo phương án bồi thường. Sau đó, dự thảo phương án này được đưa ra lấy ý kiến của người dân và tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp.

TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi thường, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể.

Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án. Hệ số điều chỉnh giá đất xây dựng phương án bồi thường sẽ được ban hành đầu mỗi năm để áp dụng cho cả năm.

Tại bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 đã thông qua, giá đất trên địa bàn TP HCM về cơ bản vẫn giữ nguyên mức giá so với giai đoạn 2016 – 2019 trước đó. Giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố là 162 triệu đồng/m2 như ở đường Nguyễn Huệ; giá đất đường Lê Thánh Tôn từ 110 – 115 triệu đồng/m2; đường Lê Duẩn là 110 triệu đồng/m2; đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng là 101,2 triệu đồng,…

Để phù hợp với tình hình thực tế, bảng giá đất mới bổ sung thêm gần 400 tuyến đường, đoạn đường tại các quận huyện, bên cạnh đó cũng loại bỏ hơn 260 tuyến đường.

Thống kê của CBRE cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhất định sau hai năm trầm lắng vì dịch COVID-19. Trong đó, thị trường chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của căn hộ cao cấp, trung cấp, trong khi căn hộ bình dân gần như biến mất. Đi cùng với sự thay đổi đó, giá bán bất động sản liên tiếp lập đỉnh mới.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung căn hộ mới dần phục hồi với dự dẫn dắt của phân khúc cao cấp. Sau khi lập đỉnh, kể từ năm 2020 đến nay, nguồn cung căn hộ ra thị trường đã sụt giảm do nhiều yếu tố dịch bệnh, pháp lý.

Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung vẫn ở mức thấp. CBRE ước tính, thị trường Hà Nội tung ra khoảng 8.000 căn. Thị trường TP HCM có sự phục hồi tốt hơn với khoảng 16.000 căn hộ, đã vượt qua cung của cả năm 2021.

Về phân khúc, căn hộ cao cấp hoàn toàn áp đảo. Tại Hà Nội, căn hộ trung cấp những năm qua luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 65 – 70% tổng nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, nguồn cung cao cấp ngày càng tăng, hiện đã chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung. Tại TP HCM, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn khi căn hộ cao cấp thường xuyên chiếm 85 - 90% tổng nguồn cung thị trường.

Ở chiều ngược lại, sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt. Tại Hà Nội năm nay không còn căn hộ bình dân. Còn tại TPHCM, căn hộ bình dân đã biến mất trong ba năm trở lại đây và CBRE dự báo trong ba năm tới cũng không xuất hiện trở lại.

Tổng Hợp