Theo quy định mới của chính phủ Mỹ, sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ sẽ phải rời nước này hoặc có thể gặp rủi ro bị trục xuất nếu các trường đại học tại đây chuyển sang chỉ học trực tuyến. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên đã đăng ký vào các trường và/hoặc các chương trình hoàn toàn học trực tuyến cho học kỳ mùa thu tới. Những sinh viên này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ.
Nếu các trường tổ chức lên lớp trực tiếp trong học kỳ mùa thu nhưng sau đó phải chuyển sang học trực tuyến thì các sinh viên quốc tế cũng phải rời Mỹ. Điều này khiến các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ khá bất ngờ. Trước đó, chính phủ Mỹ cho phép các trường tổ chức học trực tuyến trong học kỳ mùa Xuân và mùa Hè do dịch bệnh Covid-19 đã buộc các trường phải đóng cửa.
Sinh viên quốc tế không được phép học quá một khóa trực tuyến trong một học kỳ, đây là quy định đảm bảo không có trường hợp gian lận và duy trì nhập cư hợp pháp. Vì vậy các trường ở Mỹ hiện đang phải tìm cách điều chỉnh kế hoạch giảng dạy của mình nhằm thích ứng với tình hình mới.
Trường đại học Texas ở El Paso trước đó cho ra kế hoạch kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Với tình hình hiện tại nhà trường sẽ làm việc với từng cá nhân của 1.400 sinh viên quốc tế của mình nhằm điều chỉnh phù hợp.
Sinh viên quốc tế chiếm tới 15%-20% tỷ lệ học sinh ở một số trường đại học ở Mỹ và có đóng góp đáng kể cho nguồn thu học phí ở các trường. Trong bối cảnh số lượng sinh viên quốc tế không ổn định và chắc chắn do quy định mới vừa được ban hành, nhiều trường đại học ở Mỹ đang hướng tới thị trường sinh viên trong nước.
Trước đó nhiều sinh viên đã quyết định ở lại khi Mỹ đóng cửa vào mùa xuân vì dịch bệnh. Hầu hết các sinh viên quốc tế đều không thể quay về nước bởi các hạn chế đi lại hoặc lo ngại dịch bệnh có thể tồi tệ hơn ở quốc gia của mình. Những sinh viên về nước lại không thể quay trở lại Mỹ vì lệnh tạm thời cấm đi lại với Trung Quốc, Brazil và hầu hết các nước châu Âu.
Nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt là các sinh viên mới sẽ không thể tới Mỹ kịp cho học kỳ mùa thu vì lãnh sự quán Mỹ ở những nước này vẫn đóng cửa và họ sẽ không thể có visa để vào Mỹ.
Con đường nào để sinh viên Việt Nam ở lại Mỹ sau chỉ thị visa mới?
Dù chưa biết tình hình như thế nào nhưng thông báo của ICE cũng khiến nhiều du học sinh phản ứng gay gắt. Họ cho rằng đây là một sự dồn ép với du học sinh, một cách thiếu cảm thông, khi mà nhiều nước chưa mở lại đường bay, chưa thể dễ dàng mua chuyến bay về nước. Chính quyền liên bang đang ép du học sinh phải đến học trên lớp bất chấp rủi ro từ dịch bệnh.
Một số du học sinh khác cho rằng nhiều du học sinh đến từ các nước có kết nối Internet không ổn định, sẽ khó lòng học qua mạng. Ví dụ như các sinh viên Trung Quốc sẽ khó truy cập bộ phần mềm của Google phục vụ quá trình học.
Một số khác chỉ trích các biện pháp của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) nêu ra để du học sinh giữ được giấy tờ hợp pháp (legal status) nếu trường của mình học 100% online: là chuyển trường.
Người sáng lập tổ chức chuyên tư vấn du học APUS, cô Đoàn Thị Minh Phượng cho rằng ần đợi thêm để đánh giá tác động của chỉ thị từ ICE đối với các du học sinh.
Theo cô Phượng, trang The Chronicle of Higher Education, chuyên về ngành giáo dục ở Mỹ, cho biết chỉ 8% trường đại học sẽ cho học trực tuyến vào mùa thu. Phần lớn trường đại học (60%) đang lên kế hoạch học trên lớp, số còn lại đang xem xét cách tiếp cận “cả hai” (hybrid), gồm cả học online lẫn offline.
“Mình nghĩ dạy hoàn toàn online hoặc hoàn toàn trên lớp thì sẽ quá cực đoan, gây tranh cãi quá lớn. Mình vẫn nghĩ kết hợp cả hai sẽ làm hài lòng số đông hơn”, cô Phượng nói.
Cô Phượng dự đoán, các trường đại học sẽ xử lý khéo léo để giúp các du học sinh, nhưng họ chưa thông báo phương án cụ thể vì cần thêm thời gian để đánh giá các phương án. Trong điều kiện bình thường, sinh viên nước ngoài không thể học từ ngoài nước Mỹ mà giữ giấy tờ hợp pháp (legal status), dạng F-1. Họ đã linh hoạt cho sinh viên học oline ngoài nước Mỹ mà vẫn giữ được giấy tờ hợp pháp. Một số trường ở Mỹ cho biết đang theo dõi trước khi có thông tin thêm.
"Ý nghĩa đầy đủ của thông báo là chưa rõ, nhưng đã có những lo ngại được nêu ra, ảnh hưởng tới khả năng sinh viên mới tới Mỹ và sinh viên hiện tại được ở lại Mỹ", Đại học Harvard ra thông cáo, cho biết đang đánh giá bước tiếp theo.
Hơn 200 nhà khoa học chỉ trích WHO phớt lờ khả năng virus Covid-19 lây truyền qua không khí
Họ cho rằng WHO đã không ý thức được tầm nghiêm trọng của hình thức lây nhiễm này, mà chỉ đưa ra cảnh báo đối với hai đường truyền khác của virus.