Reuters nhận định Việt Nam có thể tham gia "du lịch biệt lập" cùng các nước chống dịch thành công

Hiện thị trường du lịch nội địa đang tăng dần trở lại, các chuyến bay ngày càng đông khách hơn.

Cùng chung ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam ghi nhận lượng khách du ljch giảm đến 98% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên việc Việt Nam thành công trong chống dịch với 324 ca nhiễm, không có ca tử vong đã giúp ngành du lịch đang dần phục hồi. 

Hãng tin Reuters nhận định Việt Nam có thể tham gia du lịch biệt lập với các quốc gia khống chế dịch thành công như New Zealand hay Úc để thúc đẩy phát triển du lịch.

Thuyền chở du khách trong nước tham quan vịnh Hạ Long, ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Thuyền chở du khách trong nước tham quan vịnh Hạ Long, ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS

Việt Nam là một trong số những quốc gia khu vực Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Mặc dù vậy, lệnh cấm khách du lịch vẫn còn, nhiều thị trường du lịch còn đóng băng, các khu nghỉ dưỡng đang tích cực giảm giá để thu hút khách du lịch nội địa.

Tổng Giám đốc Ronan Le Bihan của Mango Bay Phú Quốc cho biết, Mango Bay cần thích nghi với thị hiếu của du khách trong nước. Ở các khu nghỉ mát, nhân viên mang khẩu trang phục vụ cho các nhóm khách nhỏ, đa phần là từ Hà Nội hay TP.HCM đến. 

Ông Ronan Le Bihan cho rằng các doanh nghiệp du lịch nhắm đến khách du lịch nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn, còn Mango Bay đang hướng đến thị trường Việt Nam. "Đây là bài toán rất lớn. Không phải tất cả người Việt Nam đều quan tâm đến những gì chúng tôi cung cấp", Ronan Le Bihan nói. 

Mới đây, chiến dịch quảng bá du lịch Người Việt Nam du lịch Việt Nam được triển khai đang giúp Việt Nam vượt lên trước các đối thủ du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines, nơi các hạn chế về du lịch chỉ mới bắt đầu được dỡ bỏ.

Du lịch mang lại 726 nghìn tỉ đồng (31 tỉ USD) trong năm ngoái, tương đương 12% GDP của Việt Nam năm 2019. Tuy chỉ có 17% trong số 103 triệu du khách là người nước ngoài, họ lại chi tiêu nhiều hơn so với du khách nội địa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra các cảnh báo khi mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài quá nhanh, đồng thời kêu gọi quảng bá du lịch nội địa.

Chia sẻ với Reuters, ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để thu hút khách du lịch trong nước, khách sạn và hãng hàng không đã giảm giá tới một nửa. "Sự phục hồi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy du lịch quốc tế. Sau khi chương trình này kết thúc vào giữa tháng 7, chúng tôi sẽ bắt tay vào một chương trình khác để quảng bá du lịch quốc tế, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh", ông Bình nói.

Ở khu vực Đông Nam Á, du lịch nội địa cũng là ưu tiên hàng đầu để hồi phục sớm. Các đảo nghỉ mát ở Indonesia hay Thái Lan cho biết có thể sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài sớm. 

Một lựa chọn đang được cân nhắc tại Việt Nam là tham gia "du lịch biệt lập" cùng các quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh. 

Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, Ken Atkinson cho biết các quốc gia đầu tiên có thể cân nhắc Úc và New Zealand, những nơi đang xem xét khu vực di chuyển tự do của riêng họ. Tuy nhiên vì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn du khách lớn nhất, nên quan trọng là phải có kế hoạch mở lại thị trường đó ngay khi nó an toàn. 

"Thị trường du lịch châu Á sẽ phục hồi đầu tiên. Chúng tôi phải tự thay đổi để tập trung vào thị trường nội địa cũng như thị trường châu Á", William Haandrikmanm, tổng giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, cho biết.

Các hãng hàng không Việt Nam cho biết, du lịch nội địa đang tăng trường, các chuyến bay trong nước ngày càng đông khách hơn. 

Thanh Mai

Đề xuất cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trong nước

Đề xuất cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trong nước

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị Bộ Giáo dục về phương án cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch.