Sabeco dự kiến lợi nhuận giảm đến 40%, nhưng không 'đem con bỏ chợ'

Chứng kiến một quý kinh doanh thất thoát, Sabeco vừa điều chỉnh mức lãi ròng giảm gần 40%. Các nghị định gây bất lợi cho ngành bia và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đang khiến doanh nghiệp này thở ra làn hơi men yếu ớt.

Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020 vào ngày 30/6 sắp tới. Theo đó, cổ đông Sabeco sẽ thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và định hướng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020.

Giảm lãi kế hoạch chỉ sau vài ngày

Năm nay, Sabeco xác định rất có thể Tổng Công ty sẽ ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất 6 năm qua. Cụ thể, doanh thu thuần của Sabeco dự đoán sẽ chỉ ở mức 20.800 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019. Điều đó khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco sẽ tuột đến 39% về con số 3.252 tỷ đồng.

Trước đó vài ngày, Sabeco cũng từng công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Theo kế hoạch ban đầu, lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp này đề ra trong năm lên tới 5.895 tỷ đồng, cao hơn con số thực tế 525 tỷ đồng của năm 2019. Như vậy, sau điều chỉnh, ban lãnh đạo Sabeco thống nhất giảm gần một nửa lãi ròng trong năm nay.

Kế hoạch kinh doanh vừa điều chỉnh của Sabeco còn ảm đạm hơn viễn cảnh mà SSI Research vẽ ra cho doanh nghiệp này. Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI dự đoán, Sabeco có thể thu về 27.960 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.250 tỷ lãi sau thuế trong năm nay.

Như vậy, so với mức dự đoán của SSI, Sabeco tự hạ chỉ tiêu đến 34% về doanh thu và 30,6% về lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận sau thuế mà Sabeco đặt ra cho năm nay là mức thấp nhất lịch sử 6 năm qua. Đồ hoạ: Tất Đạt
Lợi nhuận sau thuế mà Sabeco đặt ra cho năm nay là mức thấp nhất lịch sử 6 năm qua. Đồ hoạ: Tất Đạt

Hồi tháng rồi, SSI Research từng dự báo việc tiêu thụ bia tại chỗ (on-premise) sẽ giảm một lần nữa, vì điều này có liên quan đến thói quen uống bia rượu tại cửa hàng của người dân. Ứớc tính sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm 2020 giảm 15%.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của Sabeco cũng chỉ ra tình hình xám xịt. Thành phẩm tồn kho của Sabeco lên tới 1.263 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hàng đang đi trên đường chỉ ghi nhận được 130 tỷ đồng, giảm 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm 2019.

Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có doanh thu thuần ở mức 4.908 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cung kỳ năm 2019. Lãi ròng chỉ ghi nhận được 717 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng.

Như vậy, trong 9 tháng của năm 2020, Sabeco phải hoàn thành 76,4% mục tiêu về doanh thu thuần bán hàng và 78% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế. Nếu theo kế hoạch chưa điều chỉnh trước đó, doanh nghiệp này phải gượng sức để hoàn thành thêm 10% mục tiêu về lợi nhuận so với kế hoạch đã điều chỉnh.

Thế “một cổ hai tròng” của Sabeco

Giải thích cho kế hoạch đi lùi trên, HĐQT Sabeco xác định doanh nghiệp này đang trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Nghị định 100/2019/NĐ-CP và đại dịch COVID-19 là hai nguyên nhân đánh mạnh trực diện vào Tổng Công ty. Theo Tổng cục Thống kê, ngành bia Việt Nam đang nếm trải hai ảnh hưởng tiêu cực nêu trên khiến sản lượng sụt giảm tới 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bia đối mặt với khó khắn không chỉ do Nghị định 100/2019/NĐ-CP mà còn bị áp thêm Nghị định 24/2020/NĐ-CP. Nghị định này đặt ra các quy định khắt khe hơn về tiếp thị và quảng cáo bia và áp dụng các hình thức xử phạt nặng hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia rượu, dưới bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu và hơi thở.

Trong bối cảnh đó, đại dịch COVID-19 lại gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch với việc hạn chế đi lại, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ đời sống kinh tế - xã hội. Sabeco xác định, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như đóng cửa các quán bia, quán rượu, quán karaoke và câu lạc bộ đêm là điều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp này.

Doanh thu và lợi nhuận Sabeco trong quý I/2020 rất thê lương so với các quý trước đó. Đồ hoạ: Tất Đạt
Doanh thu và lợi nhuận Sabeco trong quý I/2020 rất thê lương so với các quý trước đó. Đồ hoạ: Tất Đạt

Trong nửa cuối năm 2020, Sabeco thống nhất tập trung nguồn lực để giữ vững thị trường ở khu vực thành thị. Tổng Công ty sẽ cố gắng mở rộng độ phủ tại thị trường nông thôn và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Song song đó, doanh nghiệp này cũng tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường. Sabeco hướng tới xây dựng thương hiệu, sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường. Tổng Công ty sẽ không bỏ qua việc cấu trúc toàn bộ hệ thống phân phối để hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc thị trường.

Ban lãnh đạo cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ tích hợp phương pháp quản lý nguồn lực nhân sự. Sabeco muốn tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí hoạt động, nhằm tăng năng suất.

Chọn giảm chi phí, không từ bỏ thị trường Việt

Trong tờ giải thích về tình hình tài chính quý I/2020, Sabeco có nêu rõ đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để bù đắp vào phần lợi nhuận suy giảm.

Chưa rõ cơ cấu nhân sự Sabeco đã thay đổi thế nào sau cao điểm đại dịch COVID-19 nhưng theo báo cáo tài chính gần đây, doanh nghiệp này đã cắt giảm chi phí nhân công khá lớn. Trong 3 tháng đầu năm. Sabeco chỉ tốn hơn 80 tỷ đồng cho chi phí nhân công quản lý doanh nghiệp. Vốn dĩ, quý đầu tiên mỗi năm, chi phí nhân công quản lý doanh nghiệp của Sabeco thường thấp nhưng so với năm ngoái, con số này đã giảm đi 20 tỷ đồng.

Về nhóm chi phí bán hàng, Sabeco luôn nổi danh là doanh nghiệp “chịu chơi” nhất về các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ. Thế nhưng trong 3 tháng đầu năm, Sabeco chỉ chi hơn 238 tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị và hỗ trợ. Mức chi này thấp hơn khoảng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. So với thường lệ, doanh nghiệp này hầu như chưa từng vung tiền dưới mức 300 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ.

Hoạt động này của Sabeco có thể bị ảnh hưởng bởi Nghị định 24/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên nghị định này mới có hiệu lực vào cuối tháng 2. Điều này chứng tỏ ban lãnh đạo doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm chi phí bán hàng để bù vào phần lãi ròng sụt giảm nghiêm trọng.

Sabeco đang cố gắng tiết giảm các chi phí quảng cáo, tiếp thị. Ảnh: YouTube/Sabeco
Sabeco đang cố gắng tiết giảm các chi phí quảng cáo, tiếp thị. Ảnh: YouTube/Sabeco

Điều chỉnh chi phí, tự cắt giảm mục tiêu lợi nhuận là những động thái cho thấy Sabeco đang thở những làn hơi men yếu ớt sau liên tiếp khó khăn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Sabeco khẳng định không hề muốn “đem con bỏ chợ”.

Trước tin đồn, ThaiBev - công ty mẹ của Vietnam Beverage, cổ đông lớn nhất của Sabeco, muốn bán lại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco ông Koh Poh Tiong lên tiếng phủ nhận. Ông khẳng định, không có chuyện ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang tìm kiếm người mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam. 

Ngoài ra, ThaiBev còn khẳng định và cam kết hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các mảng tại Việt Nam, đặc biệt với Sabeco nhằm củng cố vị thế nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu trong ngành bia.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương