Sắm Tết từ tháng 11 rồi phải chi gấp đôi để mua lại toàn bộ quần áo

Dù chuẩn bị trước là tốt, vẫn có một số khoản mục không nên sắm sớm cho ngày Tết.

Mua quần áo sớm rồi lại phải chi gấp đôi sắm thêm lần nữa

Thảo Nhi (25 tuổi, nhân viên văn phòng) năm ngoái đã mua quần áo mặc Tết  trước 2 tháng tức là giữa tháng 11 Dương lịch. Cô bạn chia sẻ rằng vào tháng 12 và thời điểm sát Tết âm lịch rất bận, gần như không có cuối tuần, thời gian rảnh chỉ dành để ngủ nghỉ nên đã quyết định sắm Tết sớm.

“Vì biết trước lịch trình những ngày cuối năm rất bận cũng như sợ rằng mua online không giống ảnh nên mình đã sắm Tết sớm. Lúc đó trời vẫn chưa lạnh lắm, mình mua được 3 bộ quần áo thu đông cho ngày Tết. Thật ra, ngày mình đi mua sắm cũng khá ít người dù là cuối tuần, khác hẳn so với những lần năm trước luôn phải chen chúc”. 

Tuy nhiên, đến cuối cùng Thảo Nhi vẫn phải sắm đồ mới thêm 1 lần nữa. Trên thực tế, cô bạn đã mặc những bộ quần áo này khá nhiều lần dù chưa đến Tết nhưng Thảo Nhi luôn quan niệm rằng Tết tức là phải mặc đồ mới. Bên cạnh đó, thời tiết những ngày Tết lạnh hơn rất nhiều so với tháng 11.  

“Mình cũng từng mắc sai lầm này vào những mùa Tết trước, lúc thì đồ quá ấm, lúc lại đồ quá mỏng. Do vậy, năm nay dù có thể chen chúc và thời gian cập rập hơn, mình vẫn quyết định chờ sát Tết mới mua. Như vậy vừa biết thời tiết những ngày Tết ra sao cũng tránh được trường hợp phải chi gấp đôi để mua đồ mới”. 

Ảnh minh họa - Pinterest
Ảnh minh họa - Pinterest

Sắm bánh kẹo trước cho gia đình

Ngọc Ánh (26 tuổi, nhân viên văn phòng) thường sẽ mua bánh kẹo ngày Tết từ Hà Nội đưa về quê cho bố mẹ. “Mình rất thích ăn đồ ăn vặt chẳng hạn như hướng dương, hạt dẻ cười,... Nói chung bánh kẹo ngày Tết là gu của mình. Mình vẫn nhớ khi mới ra trường 1 năm, khoảng 3 năm trước, đến sát Tết mình phải đi mua gấp bánh kẹo vì đã ăn hết và cho đồng nghiệp trước đó. Khi đó mình đã mua 3 lần bánh kẹo Tết”. 

Bên cạnh đó, cô bạn chia sẻ rằng mặc dù giá cả có thể đắt hơn đôi chút, mua sát Tết thường sẽ có mẫu mã đẹp hơn, đậm chất năm mới. Nhà nào thích trưng bày, xem bánh kẹo như là đồ decor thì nên sát Tết mới mua. Bên cạnh đó, những ai giống như cô bạn thích ăn vặt, hãy tránh mua sắm bánh kẹo quá sớm. Bởi vì những thứ đã là sở thích luôn hấp dẫn, rất khó để kiềm lòng. 

Ảnh minh họa - Pinterest
Ảnh minh họa - Pinterest

Tóc và nail chỉ nên làm sát Tết

Những ngày sát Tết là thời điểm tiệm tóc, tiệm nail tấp nập, khó đặt lịch hẹn trước. Do vậy, nhiều bạn trẻ mong muốn làm sớm nhưng đây không phải là lựa chọn tối ưu. Hà An (24 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng năm ngoái cô bạn đã làm tóc trước Tết 1,5 tháng, nail trước 2 tuần và vô cùng hối hận.

“Mình làm tóc xoăn nhẹ, vì làm sớm quá đến Tết sóng tóc đã không còn được như trước. Bên cạnh đó, móng tay mình dài khá nhanh nên đến ngày Tết, bộ nail mới trông khá cọc cạch. Mình là người khá coi trọng vẻ bề ngoài nên sát Tết đã phải đặt làm lại nail, rất khó khăn. Còn tóc mình đành chấp nhận vì không còn thời gian để làm mới”. 

Theo Hà An, nếu muốn làm tóc mới đón Tết, bạn nên làm trước 3 tuần. Còn về nail khoảng trước 1 tuần so với giao thừa là thời điểm đẹp nhất. Không phải điều gì chuẩn bị trước cũng tốt, đôi lúc bạn có thể mất thêm tiền để sửa lại mọi thứ. Chẳng hạn như Hà An, vì đặt gấp vào ngày 28 Tết, cô bạn đã phải chi gấp 3 lần giá bình thường và phải chấp nhận làm nail vào buổi đêm. 

Tô Diệp

Chi 3 tháng lương đi du lịch, bỏ tiền triệu mua sách nhưng không đọc: Dân văn phòng kiểm soát chi tiêu cho sở thích như thế nào?

Chi 3 tháng lương đi du lịch, bỏ tiền triệu mua sách nhưng không đọc: Dân văn phòng kiểm soát chi tiêu cho sở thích như thế nào?

Dù có vẻ như đang chi tiêu phung phí, một số người trẻ đang kiểm soát tài chính hiệu quả bằng kỷ luật với những nguyên tắc cá nhân.