Chi đến 35 triệu/năm để đi du lịch
Ngọc Hạ (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đã đi 4 chuyến du lịch dài ngày trong năm nay. Trong đó, cô bạn đi Thái Lan 7 ngày hết 15 triệu và chi khoảng 20 triệu cho những chuyến đi 4 ngày đến Nha Trang, Mũi Né và Đà Nẵng. Được biết lương của Ngọc Hạ 12 triệu/tháng, tức cô bạn đã chi đến 3 tháng tiền lương để đi du lịch trong năm nay.
“Mình là người thích khám phá trải nghiệm nên đi du lịch khá thường xuyên. Đối với mình đây là lý do để nỗ lực làm việc mỗi ngày. Trên thực tế, cũng có nhiều người cho rằng mình đang chi tiêu quá phung phí cho những chuyến du lịch. Song, mình nghĩ rằng không phải lúc nào bản thân cũng được phép xê dịch. Đến một lúc nào đó có gia đình, con cái, phải gánh nhiều trách nhiệm hơn, mình sẽ không thể đi du lịch nhiều như lúc này".
Bên cạnh đó, Ngọc Hạ chia sẻ rằng dù bản thân không tiết kiệm được nhiều nhưng mỗi năm vẫn tích luỹ 15-20 triệu để dành cho những trường hợp bất ngờ xảy ra. Do vậy, cô bạn cảm thấy không có gì sai khi bản thân chi nhiều tiền cho du lịch.
Ảnh minh hoạ - Pinterest |
Mua sách chất đầy, không đọc hết
Mai Linh (24 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ rằng bản thân là một người khá thích đọc sách. Tuy nhiên bởi vì tính chất công việc khá bận rộn, cô bạn thường không thể dành nhiều thời gian đọc sách. Song, mỗi tháng cô bạn đều chi 1 - 1,5 triệu đồng để mua sách.
“Mình thích cảm giác cầm sách mới trên tay. Nghe có vẻ khá phù phiếm nhưng mình thật sự cảm thấy rất thỏa mãn khi mua nhiều sách mới. Tuy nhiên, cũng bởi vì vậy, cho đến nay ⅔ giá sách của mình đều là những cuốn chưa đọc đến dù chỉ 1 trang".
Cô bạn mua sách không vì bất kỳ một dịp đặc biệt nào. Chẳng hạn khi được nhận lương, sếp khen hay chỉ đơn giản là tâm trạng tệ, Mai Linh đều sẽ mua sách mới. “Mình luôn mua sách với suy nghĩ rằng đây là khoản chi cần thiết. Đến một lúc nào đó, mình sẽ đọc đến những cuốn sách này. Có những cuốn sách mình mua 2-3 bản khi nhà xuất bản thay đổi trang bìa nhìn đẹp hơn".
Ảnh minh hoạ - Pinterest |
Quản lý ngân sách thế nào với những khoản chi tiêu cho mong muốn?
Chi tiêu hàng tháng của một người thường sẽ được chia ra 2 phần chính đó là nhu cầu và mong muốn. Trong đó, nhu cầu là những khoản chi bắt buộc để duy trì sinh hoạt hàng ngày như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại,... Còn mong muốn là những khoản nếu không chi tiêu cũng sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống cơ bản. Những khoản chi mua sách của Mai Linh hay đi du lịch của Ngọc Hạ đều được xếp vào phần mong muốn.
Đối với Ngọc Hạ, cô bạn hiện đang sống cùng với bố mẹ nên tiết kiệm được một phần tiền thuê nhà. Mặt khác, hàng tháng Ngọc Hạ vẫn gửi bố mẹ 3 triệu tiền ăn uống, điện nước tại nhà. Ngoài ra, cô bạn luôn trích 3-4 triệu dành riêng cho du lịch, 2 triệu cho quỹ khẩn cấp, còn lại sẽ dành cho những khoản chi cá nhân.
“Vì mình biết bản thân chi tiêu khá nhiều cho du lịch nên mình sẽ cắt giảm những khoản tiền khác đến mức tối đa. Mình rất hiếm khi mua quần áo mới hay đổi điện thoại máy tính. Mình thường sẽ dùng điện thoại 4-5 năm rồi mới đổi mới và không chạy theo xu hướng mua phiên bản mới nhất. Mình cũng hạn chế đi ăn ngoài trừ những dịp vô cùng đặc biệt. Đồ dưỡng da hay trang điểm mình cũng dùng những loại cực kỳ bình dân dành cho học sinh, sinh viên".
Ngọc Hà cho rằng điều quan trọng nhất là biết phân loại thứ tự ưu tiên dù trong khoản mục chi tiêu mong muốn. Thông thường mọi người sẽ chi 10-20% thu nhập cho khoản mục này. Và mọi người thường sẽ có rất nhiều mong muốn, do vậy cần phân loại ưu tiên để không bị vượt quá ngân sách. Ví dụ như Ngọc Hà sẽ ưu tiên đi du lịch, chấp nhận cắt giảm khoản mua đồ dùng, quần áo mới nếu không thật sự cần thiết.
Ảnh minh hoạ - Pinterest |
Cũng giống như Ngọc Hạ, Mai Linh cho rằng việc chi tiêu cho mong muốn có kiểm soát sẽ giúp điều chỉnh ngân sách cá nhân tốt hơn trong mọi thời điểm. Dù vậy, đúng là việc chi tiêu chỉ để thoả mãn cảm xúc nhưng không dùng đến hay không có những trải nghiệm mới là điều nên tránh.
“Mình hiện tại chỉ mua 1-2 cuốn sách mới trong 1 tháng để dành thời gian đọc hết những cuốn sách cũ. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng dù 1-1,5 triệu không phải con số quá lớn nhưng nếu tiếp tục chi tiêu theo cảm xúc sẽ có thể ảnh hưởng rất nhiều đến ngân sách sau này. Bởi vì mình đang hình thành và nuôi dưỡng những thói quen tài chính độc hại".
3 cách để tránh phải trả nhiều hơn số tiền bạn thực sự nợ trên thẻ tín dụng của mình
Nợ thẻ tín dụng luôn là món nợ bạn cần giải quyết đầu tiên.