Một ly nước - một lần đi vệ sinh: Nghịch lý nhỏ giữa một đô thị lớn.

Trong nhịp sống hiện đại của một thành phố năng động như TP.HCM, việc tìm một nhà vệ sinh công cộng đôi khi lại trở thành một “hành trình không như mong đợi”.

 Chuyện tưởng đơn giản, như một nhu cầu cá nhân lại khiến nhiều người lúng túng, ngại ngần, thậm chí phải chi tiền cho một món đồ không thực sự cần thiết chỉ để được giải quyết nỗi niềm “thầm kín”

Chị Thảo nhân viên văn phòng  chia sẻ một trải nghiệm khá phổ biến: “Em chỉ muốn đi vệ sinh, nhưng ngại quá nên đành gọi ly trà đào 35 nghìn. Uống vào chẳng những không khát mà còn thấy chát hơn.” Trưa nắng gắt, chị mất gần 10 phút để tìm một nơi giải quyết nhu cầu cá nhân và cuối cùng phải bước vào quán cà phê, gọi nước không phải vì khát mà vì... phép lịch sự tối thiểu.

Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm TP.HCM. (ảnh TTĐT ĐB TP.HCM)
Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm TP.HCM. (ảnh TTĐT ĐB TP.HCM)

Tương tự, anh Bảo một du khách từ Hà Nội, kể lại lần lang thang trên phố đi bộ Nguyễn Huệ: “Tầng hầm có nhà vệ sinh nhưng xếp hàng dài. Lên lại thì không thấy chỗ nào công cộng. Cuối cùng tôi vào tiệm thức ăn nhanh gần đó, gọi một phần khoai tây chiên chỉ để được ‘giải quyết’ nhanh chóng.” Anh thừa nhận: “Biết là có thể xin đi nhờ, nhưng không tiện, nên thôi ủng hộ họ chút.”

Những tình huống như vậy không hiếm. Chúng gợi lên một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng mang tính quản trị rất rõ: Liệu một thành phố lớn, nơi hướng đến tiêu chuẩn sống hiện đại, đã thật sự đáp ứng đủ các tiện ích cơ bản cho người dân và du khách?

Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, chuyên gia về văn hóa đô thị, nhà vệ sinh công cộng không chỉ đơn thuần là nơi đáp ứng nhu cầu sinh lý, mà còn là thước đo mức độ văn minh và thân thiện của một đô thị. “Khi người dân buộc phải tìm cách ‘trả phí gián tiếp’ cho một nhu cầu thiết yếu, điều đó cho thấy hệ thống hạ tầng đang tồn tại điểm nghẽn cần được tháo gỡ,” bà nhận định.

Thực tế cho thấy, hiện nay số lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM chỉ ở mức vài trăm, chủ yếu tập trung tại các công viên, bến xe, trong khi gần như vắng bóng tại các tuyến phố mua sắm hay điểm du lịch trung tâm, những nơi có mật độ người lưu thông cao nhất.

Câu chuyện về nhà vệ sinh không còn là chuyện tế nhị cá nhân, mà là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh đô thị bền vững. Khi người dân không dễ dàng tiếp cận một tiện ích cơ bản, thành phố sẽ dần đánh mất sự dễ chịu, một yếu tố khó định lượng nhưng lại rất thiết yếu trong trải nghiệm sống và du lịch.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm luôn là
Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm luôn là "điểm nóng về nhà vệ sinh" khi có hàng người dân tập trung thường xuyên.

Điều tích cực là các giải pháp không phải quá xa vời. Nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã đưa nhà vệ sinh công cộng vào nhóm hạ tầng thiết yếu, với công nghệ hiện đại, bảo trì định kỳ và thông tin tích hợp trên bản đồ điện tử. TP.HCM hoàn toàn có thể tham khảo và điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương.

Việc xã hội hóa xây dựng, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác cung cấp dịch vụ hoặc ưu đãi thuế cho các cơ sở mở cửa toilet miễn phí là hướng đi khả thi. Cùng với đó, việc tích hợp vị trí nhà vệ sinh vào các nền tảng bản đồ số sẽ giúp người dân không còn phải “đi vòng” giữa phố xá đông đúc.

Cũng cần ghi nhận rằng, trong những năm qua, chính quyền TP.HCM đã không đứng ngoài cuộc, nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng đã được ban hành, một số mô hình thí điểm đã triển khai ở các quận trung tâm. Những nỗ lực ấy cho thấy sự lắng nghe và tinh thần cải cách đáng trân trọng từ phía cơ quan quản lý. Dẫu kết quả chưa được như kỳ vọng, nhưng đó vẫn là những bước đi đầu tiên và rất cần được tiếp tục với quyết tâm mạnh mẽ, cơ chế rõ ràng và sự đồng hành từ cộng đồng, doanh nghiệp.

Thành phố của tương lai không chỉ được đo bằng những công trình cao tầng hay hạ tầng giao thông hiện đại, mà còn nằm ở những điều nhỏ nhất, như việc đi vệ sinh sẽ không còn là một lựa chọn khó khăn. Là người dân thành phố, tôi hay nhiều người dân khác cũng tin rằng những điều nhỏ nhất, khi được nhìn nhận đúng và làm đến nơi đến chốn, sẽ góp phần làm nên một đô thị văn minh thật sự không chỉ trong khẩu hiệu, mà trong cả những trải nghiệm rất đời thường như… một lần đi vệ sinh.

Đức Khải

Hiện thực hóa ước mong của hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam: Để nhà vệ sinh thực sự vệ sinh

Hiện thực hóa ước mong của hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam: Để nhà vệ sinh thực sự vệ sinh

Dự án "1.000 nhà vệ sinh trường học" được triển khai đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, mang đến cho các em môi trường học tập tốt hơn.