Tâm lý chữa lành và văn hóa đọc self-help trong giới trẻ

Self-help đang trở thành dòng sách được yêu thích nhờ khả năng truyền cảm hứng, chữa lành trong hành trình phát triển bản thân. Nhưng liệu self-help có thực sự chỉ mang lại những giá trị tích cực?

Những năm gần đây, sách self-help không ngừng “gây sốt” trên thị trường xuất bản Việt. Từ các nhà sách lớn đến kệ sách online, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của những cuốn sách truyền cảm hứng với những nhan đề thu hút. Đặc biệt, giới trẻ và phụ nữ đang trở thành độc giả trung thành nhất của dòng sách này.

Self-help là gì và vì sao lại được yêu thích?

Sách self-help là những cuốn sách giúp người đọc tự lực vượt qua khó khăn, chữa lành tổn thương và phát triển bản thân. Nội dung thường xoay quanh các chủ đề như yêu bản thân, vượt qua tổn thương tâm lý, quản lý cảm xúc, tạo động lực sống, làm chủ thời gian, hay chạm đến thành công.

Dòng sách self-help đang được đông đảo người đọc tiếp nhận. Ảnh minh hoạ: Internet
Dòng sách self-help đang được đông đảo người đọc tiếp nhận. Ảnh minh hoạ: Internet

Với nhịp sống đô thị nhanh, áp lực học tập, công việc, các mối quan hệ… ngày càng đè nặng, người trẻ đang tìm đến self-help như một “liều thuốc tinh thần” dễ tiếp cận. Trong khi không phải ai cũng có điều kiện hoặc dũng khí tìm đến trị liệu tâm lý, việc lật mở một cuốn sách có lời văn gần gũi, dễ hiểu, lại mang đến cảm giác đồng cảm, trở thành một lựa chọn thay thế mang tính cá nhân cao.

Những điều self-help có thể mang lại

Không thể phủ nhận, nhiều người trẻ đã tìm thấy sự an ủi, cảm hứng sống và định hướng hành động qua các cuốn sách self-help. Khi đọc, người ta có cảm giác được thấu hiểu, được “chạm” đến những phần yếu mềm trong mình. Việc nhìn lại chính mình, học cách kiểm soát cảm xúc, hay đơn giản là có thêm một lời khích lệ đúng lúc, đấy là lý do khiến thể loại này trở thành “người bạn tinh thần” đáng tin cậy.

Đối với những ai chưa từng hoặc không muốn tiếp cận các hình thức trị liệu chuyên môn, self-help chính là một cánh cửa nhẹ nhàng để bắt đầu quá trình tự khám phá và hồi phục nội tâm.

Mặt trái của việc đọc self-help

Tuy nhiên, không phải ai đọc self-help cũng được “cứu rỗi”. Việc lệ thuộc quá nhiều vào những lời khuyên “mì ăn liền” đôi khi khiến người đọc rơi vào trạng thái “nghiện chữa lành”, tức là tìm kiếm cảm xúc tích cực một cách giả tạo mà thiếu đi hành động thực tế. Không ít bạn trẻ bắt đầu tự đổ lỗi cho bản thân vì “không đủ mạnh mẽ”, “không kiên trì như người trong sách”, dẫn đến áp lực ngược.

Sách self-help được xem như người bạn tinh thần của giới trẻ hiện nay. Ảnh minh hoạ: Internet
Sách self-help được xem như người bạn tinh thần của giới trẻ hiện nay. Ảnh minh hoạ: Internet

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân cho biết: "Self-help, nếu được hiểu đúng, có thể là chất xúc tác tích cực cho hành trình phát triển cá nhân." Khi đọc với tâm thế chọn lọc và thực hành, người trẻ có thể nhìn lại chính mình, tự phản tư, điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực và tìm được nguồn động lực vượt khó. Nhiều bạn đến với tôi từng bắt đầu hành trình trị liệu từ một cuốn self-help có tác động tích cực, đó là điều đáng trân trọng.

“Tôi cũng từng gặp không ít trường hợp 'nghiện chữa lành' nhưng không thực sự thay đổi. Có những bạn đọc liên tục hàng chục cuốn sách self-help nhưng càng ngày càng cảm thấy tự ti, vì không thể đạt tới “chuẩn mực thành công, hạnh phúc” được vẽ ra trong sách”, chuyên gia Trương Thị Bảo Trân cho biết thêm.

Mặt khác, việc đơn giản hóa các vấn đề tâm lý phức tạp chỉ bằng vài lời khuyên hay công thức 5 bước dễ khiến người đọc ngộ nhận rằng họ có thể tự giải quyết mọi tổn thương mà không cần đến hỗ trợ chuyên môn. Điều này không chỉ nguy hiểm mà còn có thể kéo dài tình trạng khủng hoảng tâm lý.

Một vấn đề khác là hiện tượng “thị trường hóa nỗi đau”, khi các nhà xuất bản và tác giả khai thác tâm lý bất an như một chiến lược kinh doanh. Càng nhiều người trẻ cô đơn, mất phương hướng, càng dễ có thêm một đầu sách self-help ra đời, bất kể nội dung có thực sự hữu ích hay không.

Self-help, suy cho cùng, chỉ là một công cụ, không hơn, không kém. Nó chỉ thực sự phát huy giá trị khi đi kèm với quá trình tự nhận thức sâu sắc, thực hành lâu dài và (nếu cần) được bổ trợ bằng hỗ trợ chuyên môn. Sự thay đổi nội tâm không đến từ vài dòng trích dẫn cảm xúc, mà từ sự kiên nhẫn, dũng cảm và hiểu mình từng bước một.

Phương Thi

5.500 sáng kiến vì sức khỏe tâm lý: Khi học sinh Vinschool làm chủ hành trình hạnh phúc học đường

5.500 sáng kiến vì sức khỏe tâm lý: Khi học sinh Vinschool làm chủ hành trình hạnh phúc học đường

Lần đầu tiên tại Việt Nam, hơn 5.500 sáng kiến chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường đã được chính học sinh Vinschool đề xuất, triển khai và lan tỏa.