Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 với khoản doanh thu và lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, Sasco cho biết trong quý đầu năm nay, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của hãng đã đạt 567 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đi cùng đà tăng doanh thu này, lãi gộp công ty thu về được trong quý cũng đạt 288 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ, qua đó ghi nhận biên lãi gộp quý này ở mức 50,8%.
Không chỉ hoạt động kinh doanh chính, trong quý vừa qua, doanh thu tài chính của Sasco cũng đã tăng lên mức 10 tỷ đồng (+164%), nhờ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá phát sinh do biến động tỷ giá USD/VND giai đoạn này.
Ở chiều ngược lại, các chi phí phát sinh trong kỳ cũng ghi nhận mức tăng mạnh với chi phí bán hàng tăng 4,3 lần, lên 189 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3 lần, lên hơn 64 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty nơi ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT đã thu về khoản lợi nhuận sau thuế hơn 36 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, khoản lợi nhuận quý này đã tăng gấp 20 lần, theo Zing.
Tuy vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận mà Sasco ghi nhận được trong quý 1 năm nay chủ yếu do nền so sánh quý 1/2022 ở mức thấp do đây là thời điểm ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Nếu so với quý 4/2022 liền trước, mức lãi ròng quý vừa qua của hãng dịch vụ hạ tầng hàng không này đã giảm 59%.
Lý giải về kết quả kinh doanh này, Sasco cho biết doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do hoạt động kinh doanh đã được khôi phục như bình thường.
Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty này chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cam Ranh. Ngoài ra, Sasco còn cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, Tổng Giám đốc Sasco Đoàn Thị Mai Hương cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 tác động nặng nề tới hoạt động kinh doanh của Sasco và tới 30/04/2022, tình hình mới khởi sắc trở lại.
Một khó khăn khác được Tổng Giám đốc Sasco lưu ý là sự gia nhập của các nhà cung cấp và đơn vị khác trong lĩnh vực truyền thống. Điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, Sasco vẫn có kết quả khả quan, với lãi ròng 210 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hàng chục lần năm trước. Thế nhưng, bà Hương cho rằng Sasco vẫn chưa hồi phục hoàn toàn khi kết quả kinh doanh năm 2022 chỉ mới bằng một nửa so với năm 2019.
Năm 2023, Sasco lên kế hoạch kinh doanh với lãi trước thuế tăng 19% so với năm 2022, lên 274 tỷ đồng. Kế hoạch này được đưa ra trên giả định sản lượng hành khách ở mức 39 triệu lượt (tương đương 95% năm 2019), khách quốc tế trở lại từ cuối quý 2 năm nay.
Nói về kết quả kinh doanh 2022, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, không nhìn vào kết quả tăng trưởng mạnh năm 2022 là điều vui mừng, vì đó là so với giai đoạn "bệnh nặng". Ông đặt mục tiêu Sasco phải trở về mức lãi năm 2019, nhưng cũng lưu ý công ty không thể chạy nhanh khi vừa khỏi bệnh nặng, theo TPO.
Năm 2023, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng về sự bứt phá của Sasco trong tương lai khi tiềm năng vẫn còn rất nhiều.
"Tôi đã chỉ đạo ban điều hành phát triển một phương án mới, phải đột phá và bứt phá hơn nữa, để doanh số không phải chỉ là 1.000 - 2.000 tỷ đồng và không chỉ lãi vài trăm tỷ. Hiện nay, Sasco chưa sử dụng đồng vốn vay nào cả, mà chỉ từ vốn tự có. Tiền gửi tiết kiệm vẫn còn rất cao", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
(Tổng hợp)