Sau ĐHCĐ 2020, 'cuộc sống' ở Coteccons liệu có bình yên?

Mâu thuẫn kéo dài suốt ba năm tại Coteccons dần dà được xoa dịu. Kusto không còn ý định tổ chức ĐHCĐ bất thường và bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty CP Xây dựng Coteccons thay vì xoay quanh báo cáo kết quả năm 2019 và kế hoạch kinh doanh năm 2020, lại gần như đơn thuần là một cuộc giải quyết mâu thuẫn nội bộ.

“Cơm không lành, canh không ngọt” từ năm 2017

Có thể nói, bê bối nội bộ của Coteccons diễn ra ít nhất từ năm 2017, năm được xem là đỉnh cao sự nghiệp của nhà thầu số 1 Việt Nam. Giai đoạn trước, Coteccons hầu như chọn tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4, nhưng từ năm 2017, công ty này đã xin phép Uỷ ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM lùi cuộc họp đến tháng 6.

Lúc bấy giờ, trên thị trường bắt đầu đồn đón về mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa các cổ đông lớn với HĐQT. Năm đó, Ban điều hành Coteccons ban đầu đặt kế hoạch doanh thu 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Nhưng một nhóm cổ đông lớn yêu cầu Coteccons phải chạy “bức tốc” đề xuất doanh thu 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.800 tỷ đồng.

Dù biết đó là kế hoạch không mấy khả thi, nhưng vì muốn giữ quan hệ tốt với nhóm cổ đông lớn nên HĐQT “miễn cưỡng chấp thuận” trong ĐHCĐ năm ấy với mức lợi nhuận 1.700 tỷ đồng.

Đến tháng 7 cùng năm, ông Dương thôi chức Tổng Giám đốc và kéo ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Unicons, về giữ ghế thay ông. Không ít người đặt nghi vấn, liệu chăng đây là động thái “kéo thêm đồng minh” khi mẫu thuẫn nhóm mùi.

Ông Nguyễn Sỹ Công được kéo về từ Ricons sau khi mâu thuẫn nội bộ Coteccons bắt lửa vào năm 2017. Ảnh: Coteccons
Ông Nguyễn Sỹ Công được kéo về từ Ricons sau khi mâu thuẫn nội bộ Coteccons bắt lửa vào năm 2017. Ảnh: Coteccons

Nghi vấn nhóm cổ đông lớn thúc ép Coteccons “bức tốc” càng được dấy lên khi đến ĐHCĐ năm 2018, đại hội đồng thông qua voeejc nâng tỷ lệ chia cổ tức từ 30% lên 50%. Trong văn bản phản bác cổ đông The8th, ông Nguyễn Sỹ Công cũng mấp mé lên tiếng khi đặt nghi vấn liệu Coteccons đang phát triển như “máy in tiền” nên trở thành “thỏi nam châm hút những cổ đông có ý đồ không lành mạnh”.

Tại ĐHCĐ năm ấy, phần đối chất giữa cổ đông với HĐQT rất nóng bỏng. Nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc về việc cổ phiếu CTD (mã cổ phiếu của Coteccons) liên tục đi xuống. Không ít cá nhân đề nghị HĐQT tiến tới sáp nhập tất cả các công ty con trong Coteccons Group , mà trước hết là sáp nhập Ricons với Conteccons.

Ngoài ra, ĐHCĐ năm 2018 của Coteccons còn là nơi dàn xếp cho mâu thuẫn giữa Ban Kiểm soát và nhóm cổ đông lớn.

Ricons - nguồn cơn mọi mâu thuẫn tại Coteccons

ĐHCĐ năm 2019 diễn ra, ông Dương đề xuất cổ đông xem xét phương án sáp nhập Ricons để “tăng khả năng phòng thủ”. Nếu được thông qua, Coteccons sẽ có 3 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam, thương hiệu và uy tín ngày càng mạnh hơn.

Tuy nhiên trước đó một ngày, phía Kusto đơn phương thông báo, sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập với Ricons. Cổ đông này giải thích, việc sáp nhập sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Kusto cho rằng việc ban lãnh đạo nên tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này.

Nhiều cổ đông trong nước bày tỏ bức xúc trước quyết định của Kusto. Không ít người hoài nghi về động cơ thâu tóm Coteccons của cổ đông này. Chính ông Nguyễn Bá Dương cũng đứng ra hỏi lại ý kiến của Kusto về việc sáp nhập nhưng kết quả hầu như không thay đổi. Chủ tịch Coteccons cuối cuộc họp năm ấy cũng phát biểu: “Không bàn đến chuyện sáp nhập thêm lần nào nữa”.

Kể từ đó, vấn đề Ricons trở thành nguồn cơn chính cho mọi mâu thuẫn.

Sau ĐHCĐ 2019 khoảng hai tháng, Công ty The 8th Pte Ltd được thành lập. Hai tháng sau, The8th đã bỏ ra một số tiền rất lớn để sở hữu 10,42% cổ phần Coteccons, tương đương 8.256 triệu cổ phiếu CTD (mã niêm yết của Coteccons) và  nắm 10,82% tỉ lệ có quyền biểu quyết.

Lúc bấy giờ, nội bộ Coteccons tiếp tục xào xáo nhưng khá kín kẽ. Mãi đến khi mọi chuyện vỡ lẽ gần đây, ông Nguyễn Sỹ Công mới tiết lộ đó là khoảng thời gian “nhóm cổ đông Kusto liên tục có những hành động gây hấn mang tính chất thù địch, đỉnh điểm là yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 của cổ đông công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công và ngày 18/10/2019 của cổ đông Kusto”.

Cùng lúc đó, sau ít ngày mua cổ phiếu CTD, The8th đã cùng Kusto gửi văn bản chất vấn HĐQT và BKS Coteccons.

Mâu thuẫn vẫn lặng lẽ diễn tiến mãi đến đầu tháng 6 năm nay, Kusto và The8th thay nhau lên tiếng muốn triệu tập ĐHCĐ bất thường vào ngày 13/7 để thay đổi cơ cấu HĐQT và thực hiện kiểm toán đặc biệt với Coteccons, hướng đến các hoạt động có liên quan tới Ricons.

Ông Nguyễn Bá Dương chịu “xuống nước”

Sau một tháng “lời qua tiếng lại”, ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Coteccons cũng diễn ra vào ngày 30/6. Để xoa dịu tâm lý nhóm nhà đầu tư ngoại và các cổ đông trong nước, mở đầu cuộc họp, đại diện HĐQT đã đứng ra nhận lỗi.

Ông Nguyễn Bá Dương phát biểu dõng dạc trước toàn thể cổ đông có mặt: “Dù bất kỳ lý do nào thì lỗi là do HĐQT, và bản thân tôi nhận phần lỗi về mình, tôi xin lỗi tất cả cổ đông!”.

Trước thềm diễn ra ĐHCĐ năm 2020, ông cũng đưa ra đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons. Không khó để nhận thấy, ông Dương đang “xuống nước” trước mâu thuẫn lần này, tương tự những lần xuống nước trước đây.

Ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi tại ĐHCĐ 2020 vì Coteccons kinh doanh sụt giảm và mâu thuẫn nội bộ. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi tại ĐHCĐ 2020 vì Coteccons kinh doanh sụt giảm và mâu thuẫn nội bộ. Ảnh: Quỳnh Trần

Cũng trong cuộc họp vừa qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Thành viên độc lập Trần Quyết Thắng bị miễn nhiệm khỏi HĐQT Coteccons. Bổ nhiệm thay thế vào hai chiếc ghế đó là Herwig Van Hove, Giám đốc The8th và Bolat Duisenov, Giám đốc Kusto Việt Nam.

Tiếp theo đó, ông Dương cũng đề xuất tạm thời rút tờ trình nhiễm miện hai thành viên của Ban Kiểm soát là ông Luis Fernando Garcia Agraz, Trưởng Ban Kiểm soát và ông Đặng Hoài Nam, Thành viên Ban Kiểm soát. Đây là hai cá nhân đã ký Biên bản họp BKS tố giác một số hành vi của HĐQT mà BKS cho là sai phạm.

Kết thúc ĐHCĐ năm 2020, ông Bolat Duisenov, Giám đốc Kusto Việt Nam, nhận xét: “ĐHCĐ vừa qua đã diễn ra thành công tốt đẹp, chúng tôi thấy hài lòng với kết quả Đại hội và HĐQT hiện tại đã đại diện cho cổ đông và vì lợi ích của cổ đông. Kết quả Đại hội ngày hôm nay thể hiện sự đồng lòng giữa cổ đông và HĐQT”.

Về thái độ “xuống nước” của ông Dương, vị này cho rằng Chủ tịch Coteccons đã “sẵn sàng hành động vì lợi ích tốt nhất của công ty khi cần thiết”. Theo ông, đây là một tín hiệu vui cho toàn thể các cán bộ công nhân viên, các cổ đông, đối tác, khách hàng cũng như tất cả những ai quan tâm đến Coteccons.

Cơ cấu HĐQT và cơ cấu cổ đông của Coteccons nghiêng hẳn về các cổ đông ngoại sau ĐHCĐ 2020. Đồ hoạ: Tất Đạt
Cơ cấu HĐQT và cơ cấu cổ đông của Coteccons nghiêng hẳn về các cổ đông ngoại sau ĐHCĐ 2020. Đồ hoạ: Tất Đạt

Phía Kusto không đề cập trực tiếp nhưng dường như có ý không muốn bãi nhiệm chức vụ của ông Nguyễn Bá Dương như thông cáo phát ra hồi đầu tháng 6. Cổ đông này cho rằng, HĐQT, Ban Điều hành, các cán bộ công nhân viên cần chung tay để thực hiện mục tiêu hàng đầu lúc bấy giờ là “xoay chuyển tình hình kinh doanh và lợi nhuận của Coteccons, đưa Coteccons trở lại đà tăng trưởng trước đây và nắm vững vị trí số 1”.

Về ĐHCĐ bất thường vào ngày 13/7, Giám đốc Kusto Việt Nam thông báo sẽ gửi công văn tới các cơ quan hữu quan để làm thủ tục xin rút yêu cầu tổ chức.

Như vậy, rất có thể, mâu thuẫn trường kỳ giữa HĐQT Coteccons với nhóm cổ đông lớn gần như đã chấm dứt. Coteccons dần dà sẽ có “cuộc sống trở về bình yên, ngày nối nhau trên đường phố êm đềm, không nỗi khổ” và chờ mong “niềm vui kinh ngạc”?

Sau khi Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công cùng ông Trần Quyết Thắng rời vị trí thành viên, cơ cấu HĐQT Coteccons có đến 4/7 thành viên đại diện cổ đông ngoại. Bổ sung vào các ghế trống là ba đại diện của Kusto, gồm: ông Talgat Turumbayev, Giám đốc Kusto Group; ông Bolat Duisenov, Giám đốc Kusto Việt Nam; và ông Yerkin Tatishev, Chủ tịch Kusto Group.

Hai thành viên độc lập trong HĐQT Coteccons là ông Tan Chin Tiong, Tiến sĩ Đại học Pennsylvania và ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Dương vẫn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Coteccons.

Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông cũng đồng ý cử ông Nguyễn Minh Nhựt (Jack) giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát. Ban kiểm soát sẽ tiếp tục hoạt động trong 3 tháng tới trong thời gian công ty tìm kiếm các ứng cử viên thay thế phù hợp. Lãnh đạo Coteccons mong muốn có thành viên HĐQT nước ngoài để có thể hỗ trợ công ty về những thông lệ quốc tế và cùng tiến về phía trước.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương