Giá cước mới được Grab áp dụng từ 11h ngày 5/12, ngay sau khi Nghị định 126 về cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ có hiệu lực.
Thử đặt một cuốc xe từ Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) đi Nhà thờ Đức Bà (quận 1) vào cùng khung giờ, người dùng sẽ thấy có sự chênh lệch giá lớn giữa 3 ứng dụng Grab, Gojek và be.
Cụ thể, với đoạn đường 5km như trên, giá dịch vụ GrabBike là 34.000 đồng, beBike là 28.000 đồng và GoRide là 23.000 đồng.
Giá cước với các dịch vụ xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ cũng có sự chênh lệch lớn. Trong khi beCar 4 chỗ chỉ có giá 61.000 đồng thì GrabCar 4 chỗ có giá 70.000 đồng. Tương tự, beCar 7 chỗ chỉ có giá 76.000 đồng nhưng GrabCar 7 chỗ lại lên đến 81.000 đồng.
Mức giá dịch vụ của của 3 ứng dụng gọi xe lần lượt từ trái sang phải là Grab, be và Gojek. Ảnh chụp màn hình |
Grab lý giải việc tăng giá cước như vậy là để bù thuế VAT. Vì khi Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe.
Cụ thể, theo thông báo mà Grab đưa ra vào ngày 5/12, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km. Khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Giá cước cho 2 km đầu với GrabCar 4 chỗ cũng tăng từ 25.000 lên 27.000 đồng, và xe 7 chỗ từ 30.000 lên 32.000 đồng.
Tương tự, giá cước GrabBike cho 2 km đầu tiên tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng/km, và mỗi km sau đó tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km. Giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Với mức giá mới, cước phí khách trả tương đương tăng khoảng hơn 12%, quãng đường càng dài thì mức tăng càng lớn.
Do đó, nếu giá cước và tỷ lệ chiết khấu không đổi, thu nhập thực của các tài xế công nghệ sẽ bị giảm. Grab cho biết, việc điều chỉnh tăng giá cước như vậy sẽ đảm bảo thu nhập cho tài xế. Tuy nhiên để giữ chân khách hàng, Grab lại áp dụng mức thuế VAT 10% lên mỗi cuốc xe thay vì 3% như trước khiến thu nhập của hàng trăm tài xế bị giảm mạnh, trái ngược hoàn toàn với những gì Grab đề ra ban đầu.
Do mức thuế VAT phải đóng tăng lên theo Nghị định 126, Grab đã tăng giá cước và tăng mức chiết khấu lên tài xế. Ảnh: Trương Kính |
Nghị định 126 có hiệu lực không chỉ thay đổi cách đóng thuế của riêng Grab mà các hãng đặt xe công nghệ khác như Gojek và be cũng bị ảnh hưởng. Trong khi Grab vội vã tăng giá cước và tăng mức chiết khấu lên tài xế thì hai hãng xe còn lại vẫn chưa có động thái mới.
Đại diện be cho biết, hãng chưa tăng giá cước và vẫn giữ mức phí cũ với các tài xế. Lý do cho điều này là vì ngay từ khi thành lập, be Group đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, do đó be đóng thuế VAT ngay từ đầu. Hãng xe công nghệ be hiện đang tính thuế VAT là 10% trên phần thu nhập của tài xế sau khi đã khừ khoản chiết khấu, vẫn chưa đúng theo Nghị định 126 là 10% trên tổng cước khách trả.
Ứng dụng gọi xe công nghệ Gojek cũng chưa có động thái điều chỉnh giá và vẫn áp dụng mức thuế 3% VAT như trước. Phía Gojek cho biết, doanh nghiệp này là đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối chứ không phải đơn vị vận tải, nên chưa biết có áp dụng theo Nghị định 126 hay không.
Cả Gojek và be đều đang kiến nghị lên cơ quan thuế để có hướng dẫn cụ thể về việc đóng thuế theo Nghị định 126 và hỗ trợ các tài xế của hãng.