Vì sao gần một thập kỷ nữa mới có ngày 30 Tết?
Điều này liên quan tới thuật toán tính lịch âm. Khác với Dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của Trái đất xung quanh Mặt trời (làm tròn là 365 ngày, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày), trong Âm lịch, số ngày trong tháng được tính dựa trên chu kỳ Mặt trăng trong mối tương quan với Trái đất và Mặt trời.
Thời điểm 3 thiên thể này nằm thẳng hàng theo thứ tự Trái đất - Mặt trăng - Mặt trời, người quan trắc đứng trên Trái đất không còn nhìn thấy Mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (ngày sóc).
Thời điểm 3 thiên thể này nằm thẳng hàng theo thứ tự Mặt trăng - Trái đất - Mặt trời, đó là thời điểm trăng tròn. Ngày rằm (15 Âm lịch) chưa chắc đã trúng vào lúc trăng tròn, nhưng ngày mùng 1 thì luôn luôn là ngày Sóc.
Thời gian Mặt trăng từ tròn đến khuyết có chu kỳ bình quân 29,53 ngày. Trong khi đó, số ngày của mỗi tháng bắt buộc phải là số chẵn, bởi thế nên mới dẫn đến trong Âm lịch có tháng thừa, tháng thiếu.
Hiện tượng 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu - chỉ có 29 ngày, như giai đoạn 2025 - 2032 như đã nói ở trên chỉ là một sự trùng hợp. Hiện tượng này ít được biết đến và rất thú vị, tuy nhiên không hẳn là quá hiếm. Chẳng hạn, như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020), liên tiếp 5 năm có tháng Chạp đủ.
Năm 1968, Việt Nam bắt đầu dùng lịch tính theo múi giờ thứ 7 thì Việt Nam ăn Tết trước Trung Quốc 1 ngày. Nguyên nhân là ngày 31/12/1967 tương ứng với ngày mùng 1 tháng Chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc, nhưng điểm Sóc kế tiếp xảy ra lúc 23h29, theo giờ Việt Nam ngày 29/1/1968, nên tháng Chạp ở lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày (tháng thiếu), lúc này theo giờ Bắc Kinh đã là 0h29 ngày 30/1 (tháng đủ).
Do vậy, mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968 tại Việt Nam sớm hơn Trung Quốc 1 ngày. Theo các chuyên gia, việc tính toán chuyển động các thiên thể rất phức tạp, nhất là đối với Mặt Trăng do bị ảnh hưởng nhiễu loạn sức hút từ Mặt Trời, Trái Đất, các hành tinh khác và hình dạng không đều của khối cầu Trái Đất cũng như Mặt Trăng.
Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp?
Chữ "Chạp" là một biến âm của từ "lạp" trong tiếng Hán. Lễ tế thần cuối năm của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp, do đó tháng cuối năm được gọi là Lạp nguyệt. Đây là khoảng thời gian các gia đình thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết.
"Lạp" trong tiếng Hán còn có nghĩa là lễ tất niên, cũng liên quan đến tập tục kể trên.
Từ "Lạp nguyệt" được gọi theo cấu trúc tiếng Việt cùng với sự biến âm để trở thành "tháng Chạp", một cách gọi khác của tháng cuối cùng năm Âm lịch. Đây cũng là tháng nhiều lễ lạt cúng bái nên dần dần có từ "giỗ chạp".
Đối với câu hỏi "tháng Chạp là gì", có một cách lý giải khác như sau: Chữ "lạp" trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt. Tháng cuối năm, mọi người có xu hướng tích trữ thực phẩm để đối phó với giá rét, đồng thời chuẩn bị ăn Tết, trong đó quý nhất là các loại thịt.
Tháng Chạp đối với người Việt Nam rất quan trọng, là khoảng thời gian mọi người hướng tới tổ tiên, dành thời gian thăm nom, chăm sóc phần mộ của gia tộc. Về mặt công việc, đây cũng là hạn chót để hoàn thành các kế hoạch năm, chuẩn bị tống tiễn năm cũ, giải quyết những rắc rối, đen đủi, phiền toái với hy vọng sẽ đón năm mới tốt lành.
Tháng 12 Âm lịch là tháng có nhiều lễ cúng nhất trong năm, bao gồm: Lễ cúng mùng 1, ngày rằm, cúng tiễn ông Táo chầu trời (23 tháng Chạp), cúng tất niên (thường vào chiều 30 Tết hoặc các ngày trước đó).