"Siết" giám sát giao dịch bất động sản qua sàn

Kinh doanh BĐS phải thông qua sàn còn giúp Nhà nước có thể quản lý, giám sát, từ đó chống thất thoát thuế, dự báo thị trường. Kinh doanh, mua bán bất động sản qua sàn liệu có khả thi?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, vấn đề nội dung giao dịch qua sàn, trong đề xuất đã đặt ra 2 hình thức. Theo đó, đầu tiên là BĐS có giấy chứng nhận quyền sử dụng (hiện nay giao dịch thông qua công chứng); còn các loại dự án mà không có giấy chứng nhận thì phải thông qua sàn để khắc phục bất cập trong việc giao dịch BĐS để tránh việc thổi giá, dự án ma, những vấn đề liên quan đến chính sách pháp lý…

Tới đây, tất cả các sản phẩm BĐS sau khi có giao dịch đều kết nối điện tử. Từ đó, Bộ sẽ nắm được trong 1 ngày có bao nhiêu giao dịch, quy mô giao dịch, giá giao dịch...

Theo ông Sinh, hiện, có rất nhiều thông tin, nhưng mỗi thông tin của mỗi tổ chức lại có mục tiêu, mục đích riêng. Bộ Xây dựng là đơn vị có công bố thông tin hằng quý, thông tin này được tập hợp từ các địa phương và có đóng dấu đỏ.

"Thế nhưng, việc công bố đều đặn chỉ là bước ban đầu, để nhìn thấy bức tranh về giá bất động sản, về khối lượng giao dịch; quy mô, đóng góp của lĩnh vực bất động sản cho nền kinh tế là bao nhiêu... cũng còn là một dấu hỏi", ông Sinh nói.

Liên quan đến việc giao dịch quyền sử dụng đất, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã làm việc với Bộ TNMT và thống nhất giao dịch quyền sử dụng đất thì thực hiện theo Luật về Kinh doanh bất động sản.

Theo đó, các hoạt động này cũng phải thực hiện qua sàn. Ngoài ra, với những quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, có những nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, công trình hình thành có sẵn và hình thành trong tương lai.

Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - Phụ trách khu vực miền Trung, vấn đề này không phải là can thiệp hành chính vào thị trường mà là tổ chức lại thị trường để trở nên hiệu quả và minh bạch hơn, khắc phục các khiếm khuyết vốn có của thị trường.

Theo ông Bình, các chế tài về sự minh bạch thoạt nhìn có vẻ như hạn chế các chủ đầu tư, nhưng về dài hạn sẽ giảm bớt chi phí cho chủ đầu tư trước sự cạnh tranh không lành mạnh, nhờ việc hình thành các rào cản xâm nhập thị trường khi chưa đủ điều kiện cần thiết.

Các yêu cầu quy định này sẽ là bước sàng lọc, loại bỏ bớt phần lớn các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án nhưng vẫn tham gia phát triển BĐS, làm thị trường trở nên rủi ro, thiếu kiểm soát và chi phí giao dịch tăng cao.

Bên cạnh đó, quy định giao dịch qua sàn không làm giảm tính cạnh tranh, các sàn giao dịch phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật, cũng như phải đảm bảo tính cạnh tranh để được bán hàng cho chủ đầu tư, nên phải vừa nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn về minh bạch, thuận tiện cho khách hàng trong quá trình bán hàng, vừa phải đảm bảo có chi phí hợp lý, phù hợp với thông lệ vốn có của thị trường để các chủ đầu tư lựa chọn.

"Quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán. Đây là chi phí các chủ đầu tư có uy tín và có năng lực từ trước tới nay vẫn phải bỏ ra để phục vụ khách hàng của mình và tăng uy tín cho mình. Việc tạo ra một cơ chế chung như giao dịch qua sàn sẽ làm chi phí này được sử dụng hiệu quả hơn", ông Bình phát biểu.

Tổng Hợp