Sự kiện nổi bật tuần qua: Trump quyết cấm TikTok, ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội

Tuyên án kẻ khủng bố trụ sở công an phường, hoàn thuế hơn 9 tỷ đồng cho doanh nghiệp TP.HCM... là những thông tin nổi bật tuần qua.

Kẻ cầm đầu nhóm khủng bố trụ sở công an phường lĩnh 24 năm tù

Sáng 22/9, TAND TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Khanh và 19 đồng phạm trong vụ án khủng bố trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình.

Trong phiên tòa ngày 22/9, HĐXX nhận định quá trình xét hỏi và tranh luận tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. 

Bị cáo Nguyễn Khanh sau phiên tòa trưa 22/9. Ảnh: VnExpress.
Bị cáo Nguyễn Khanh sau phiên tòa trưa 22/9. Ảnh: VnExpress.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng khiến hai chiến sỹ công an bị thương, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, đi ngược với lợi ích của đất nước, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét giảm nhẹ hình phạt do các bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Từ những yếu tố nêu trên, tòa tuyên phạt kẻ chủ mưu trong vụ khủng bố Nguyễn Khanh 20 năm tù về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; 4 năm tù về tội Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ. Tổng hợp hình phạt là 24 năm tù, quản chế 5 năm, theo Zing News.

Bị cáo Dương Bá Giang; Nguyễn Minh Tấn (được Ngô Hùng phong chức Tư lệnh Quân khu 4, nhiệm vụ phát triển tổ chức ở miền Tây) bị phạt 18 năm tù.

Trực tiếp đặt 2 quả nổ tại trụ sở công an, bị cáo Vũ Hoàng Nam, Dương Khắc Minh và Phạm Trần Phong Vũ cùng nhận án 17 năm tù; Nguyễn Tấn Thành (con trai của Khanh) lĩnh 3 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 13 bị cáo còn lại bị tuyên 2-12 năm về một trong hai tội danh trên. HĐXX cũng áp dụng hình phạt bổ sung, buộc các bị cáo nộp phạt 10 triệu đồng, bị quản thúc tại địa phương 3-5 năm sau khi mãn hạn tù.

Hoàn thuế hơn 9 tỷ đồng cho doanh nghiệp TP.HCM

Các doanh nghiệp được hoàn thuế tại TP.HCM chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp được hoàn thuế tại TP.HCM chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Theo Cục thuế TP.HCM, 8 tháng qua đơn vị đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho 1.542 hồ sơ với tổng số tiền được hoàn là 9.103 tỷ đồng, giảm 3,2% số tiền hoàn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 89% tổng số hồ sơ và 92% tổng số thuế được hoàn; trường hợp đầu tư chỉ chiếm 2,3% tổng số hồ sơ và 6,1% tổng số thuế được hoàn, theo TTXVN.

Hầu hết, hồ sơ hoàn thuế được giải quyết bằng phương thức điện tử. Trong đó, 100% trường hợp hoàn thuế xuất khẩu được giải quyết bằng phương thức điện tử, người nộp thuế có nhiều thuận lợi trong việc gửi hồ sơ hoàn thuế cũng như theo dõi tình hình xử lý hồ sơ giải quyết hoàn thuế.

Ngoài ra, trong 8 tháng qua Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 12.263 doanh nghiệp với số thuế truy thu, phạt, truy hoàn là gần 2.502 tỷ đồng. Theo báo cáo của Cục thuế TP.HCM, tổng số doanh nghiệp (mã 10 số) đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM là khoảng 259.161 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp phát sinh mới là 27.136, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động là 24.402 doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, Cục thuế TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan đến thuế để hàng hóa được thông quan nhanh chóng và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thuế thuận lợi hơn.

Gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland bị truy tố

Bùi Minh Chính cùng 7 đồng phạm bị truy tố về việc gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50,6 tỷ đồng.

Tòa nhà Petro ­land Tower. Ảnh minh họa.
Tòa nhà Petro ­land Tower. Ảnh minh họa.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (Petroland); truy tố Bùi Minh Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland) cùng đồng phạm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50,6 tỉ đồng, theo TTXVN.

Trong vụ án này, 8 bị can bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự gồm: Bùi Minh Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Petroland); Phạm Thúy Nga (Kế toán trưởng Petroland); Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trưởng bộ phận kinh doanh Sàn giao dịch Petroland); Lê Tú Phương (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hạnh An); Nguyễn Bá Hội (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Khôi Nguyên); Dương Công Thọ (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bất động sản Tân Hưng); Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (lao động tự do); Nguyễn Thế Công (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bình An).

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến năm 2017, Ngô Hồng Minh, Trần Hữu Giang và Bùi Minh Chính đã bàn bạc làm trái công vụ, trái quy định của pháp luật, lập "khống" 17 hợp đồng và 1 Phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn, chi tiền, gây thiệt hại cho Petroland số tiền 50,6 tỉ đồng.

Ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội

Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh. Ảnh: VnExpress.
Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh. Ảnh: VnExpress.

Với 100% đại biểu tham gia hội nghị tán thành, ông Chu Ngọc Anh chính thức trở thành Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay ông Nguyễn Đức Chung.

Sau khi bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, cơ quan dân cử thành phố đã bầu ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, làm chủ tịch thành phố với 100% đại biểu nhất trí, theo VnExpress.

TT Trump nói không rút lại quyết định cấm tải TikTok

Ngày 25/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi văn bản lên tòa án để thúc đẩy lệnh cấm các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc trên các kho ứng dụng dành cho điện thoại thông minh của Apple và Google.

Chính quyền Trump thúc đẩy việc cấm TikTok và WeChat tại Mỹ. Ảnh: CNBC.
Chính quyền Trump thúc đẩy việc cấm TikTok và WeChat tại Mỹ. Ảnh: CNBC.

Văn bản gửi tòa án của Bộ Tư pháp yêu cầu Thẩm phán sơ thẩm Mỹ Laurel Beeler tại San Francisco dừng phán quyết sơ bộ đưa ra vào ngày 20/9 chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng tin nhắn WeChat của công ty công nghệ Tencent (Trung Quốc), chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực, theo TTXVN.

Cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không rút lại kế hoạch cấm tải xuống ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok, tạo ra một tình huống đối đầu với tòa án trước hạn chót vào Chủ Nhật.

Văn bản gửi tòa án của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này phản đối đơn kiến nghị của TikTok về lệnh ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump, người đã gọi nền tảng xã hội của Trung Quốc là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia.

Văn bản này được đưa ra một ngày sau khi thẩm phán Carl Nichols nói với các luật sư rằng ông sẽ cân nhắc dựa trên cơ sở giải quyết mà TikTok yêu cầu nhằm ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump trước khi lệnh cấm trên có hiệu lực vào lúc 23h59 ngày 27/9 (3h59 GMT ngày 28/9).

Thái Lan lần đầu tiên thực thi hành động pháp lý đối với Facebook, Twitter

Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Kinh tế số Buddhipongse cho biết:  "không có hành động pháp lý nào được thực hiện đối với Google như đã đưa ra trước đó, bởi nền tảng video của họ, YouTube đã gỡ bỏ hết nội dung được yêu cầu vào cuối ngày 23/9".

Ông Puttipong Punnakanta, Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số cho biết chính phủ sẽ gửi nhiều yêu cầu gỡ xuống hơn tới Facebook, Twitter và Google. Ảnh: Reuters.
Ông Puttipong Punnakanta, Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số cho biết chính phủ sẽ gửi nhiều yêu cầu gỡ xuống hơn tới Facebook, Twitter và Google. Ảnh: Reuters.

Ông Buddhipongse nói với các phóng viên, đây là lần đầu tiên chúng tôi phải vận dụng Luật Tội phạm Máy tính đối với những nền tảng không tuân thủ lệnh của tòa. Nếu các công ty không cử đại diện đàm phán hoặc yêu cầu thêm thông tin, cảnh sát sẽ tiến hành khởi tố.

Nếu Facebook và Twitter cử đại diện và thừa nhận sai trái, Thái Lan có thể tiến hành phạt tiền. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kinh tế Số và Xã hội Thái Lan không nêu rõ chi tiết Facebook và Twitter đã vi phạm nội dung hoặc điều luật nào.

Cũng theo ông Buddhipongse, Bộ Kinh tế Số và Xã hội Thái Lan sẽ đưa ra thêm các yêu cầu đối với Facebook, Twitter và Google, buộc các nền tàng này phải gỡ bỏ hơn 3.000 nội dung không phù hợp, từ khiêu dâm tới chỉ trích Hoàng gia.

Bên cạnh đó, bộ trên cũng sẽ kiện 5 cá nhân đã đăng thông tin trên Facebook và Twitter, chỉ trích và xúc phạm thể chế quân chủ trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok cuối tuần trước.

Theo Reuters, Thái Lan có những đạo luật cứng rắn nhằm cấm mọi người xúc phạm đến nhà vua và hoàng gia. Đạo luật Tội phạm máy tính cấm tải lên các thông tin sai sự thực hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nó cũng đã được sử dụng để truy tố các cá nhân và tổ chức từng chỉ trích trực tuyến với hoàng gia.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương