SỰ SỐNG và QUYỀN RIÊNG TƯ của con người

Xã hội văn minh không cho phép thỏa mãn sự hiếu kỳ của người xem, dù là xem trả tiền.

Phút 43 trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tối hôm qua tại vòng bảng EURO 2021, tiền vệ Eriksen bất ngờ ngã quỵ ngưng tim.

Ngay lập tức đội trưởng lao đến sơ cứu, trọng tài tuýt còi dừng trận đấu.

Ngay lập tức đội ngũ y tế đã tiếp cận và thực hiện sơ cấp cứu.

Ngay lập tức đồng đội bao quanh Eriksen thành bức tường CHẮN không cho các tay săn ảnh hoặc quay phim.

Ngay lập tức, các máy quay truyền hình trực tiếp chuyển sang chế độ quay xa... để cứu SỰ SỐNG và QUYỀN RIÊNG TƯ của cầu thủ.

Các cầu thủ Đan Mạch che chắn khi các bác sĩ cấp cứu cho Eriksen.
Các cầu thủ Đan Mạch che chắn khi các bác sĩ cấp cứu cho Eriksen.

Khoảng khắc đó trên thế giới rất rất rất nhiều người cũng muốn biết cầu thủ Eriksen thế nào, nhân viên y tế sơ cứu thế nào. Ai mà không tò mò? Bản năng sinh tồn làm ta muốn biết cái gì, tại sao và như thế nào. Mình cũng thế.

Nhưng không!

Xã hội văn minh không cho phép thỏa mãn sự hiếu kỳ của người xem, dù là xem trả tiền.

Mình đã viết về cách truyền thông khi quay quá cận cảnh và chi tiết ca mổ tách rời 2 bé song sinh ở VN. Những phần cơ thể có dị tật được chụp trần truồng, rõ nét, mặt mũi, tên họ, ngày sinh, không được làm mờ hay viết tắt. Trong phòng mổ vô trùng nghiêm ngặt, mà chả hiểu sao có nhiều chiếc điện thoại giơ lên chụp hình. Rồi bố mẹ bé núp trong góc hành lang che mặt khóc, cũng bị các phóng viên dí máy vào chụp.

Vụ bệnh nhân 91 người Anh cũng vậy, search google bằng tiếng Việt ra hơn 14 triệu kết quả. Khi Lãnh sự quán có công văn từ chối phóng viên, thì lại có nhà báo lại đanh thép quy kết họ vô ơn và bị thần kinh.

Suốt cả năm ngoái và tận tới đầu năm nay, những người không may bị dương tính với Covid ở mình, bị công bố hình ảnh, tên tuổi điạ chỉ, điện thoại, rồi tông tích họ hàng, rồi danh sách những người họ gặp, tha hồ bình luận đời tư của họ... Sự kì thị gây hại hơn bản thân con virus. Ngưng kỳ thị giúp giảm giấu bệnh, và giảm tốc độ lây lan, ngưng kì thị là cứu cả cộng đồng. Hơn 1 năm trước mình đã viết vậy và bị chửi te tua. (Giờ thì chính Bộ Y tế cũng đã bắt đầu công nhận rằng nên ngưng công khai trên tuổi và đời tư của Bệnh nhân).

Vài tháng trước, chúng ta đã thấy một rừng máy quay phim và điện thoại livestream ở cổng bệnh viện và ở đám tang nghệ sỹ Chí Tài. Các đám tang người nổi tiếng khác ở VN, người tới viếng cũng bị chụp hình và quay phim cận cảnh, báo đăng thoải mái.

Bắt tên tội phạm Tuấn Khỉ ở Củ Chi mà có người chạy 200km tới coi, bỏ việc, thuê phòng trọ để coi, có nhà nam phụ lão ấu đều dắt nhau cả ngày đi coi, (trong khi Tuấn Khỉ đã bắn chết 4 người rồi và có súng). Công an phải năn nỉ người dân ngưng tụ tập, ngưng livstream....

Trời ơi, Tại sao?

Tại sao trong học tập, trong nghiên cứu khoa hoc thì chúng ta hời hợp, thiếu sự tò mò tìm hiểu tới cùng, nhưng về đời tư thì lại hiếu kỳ, hóng bóc phốt khủng khiếp vậy?

Mình làm báo 20 năm, máu tò mò của người làm báo cũng chảy trong huyết quản của mình, áp lực tăng view, tăng tiara cũng là áp lực mỗi phút, nhưng vẫn phải giữ được lằn ranh mong manh: “hấp dẫn” hay “câu view giật gân”, "nhân văn" hay "mân mê" cái xấu, cái thảm thương"

Mình đã có nhiều lần cắt bỏ đi những chi tiết mà mình biết chắc chắn nếu đăng sẽ rất hot, báo bán rất chạy. Cho dù bí mật đó chính nhân vật cung cấp, có băng ghi âm hẳn hoi. Nhưng cắt là cắt! Mình tin, đích đến cuối cùng ko chỉ là sự thật. Đích đến cuối cùng phải là con người.

Với trẻ con, quyền riêng tư điểm số cũng vậy. Từ hồi ở trường công đã ngăn Xu Sim không tò mò điểm số của các bạn khác. Vẫn nhắc Xu Sim thấy người tàn tật, khổ sở thì đừng nhìn chằm chằm, đừng chỉ trỏ.

Trong lớp bạn bị cô giáo mắng phạt, dù đúng, thì cũng nên né đi, đừng cười, đừng thầm thì, “tránh động vào cây mùa lá rụng”.

Trong rất nhiều trường hợp, im lặng của bạn là món quà.

Khi họ đã kém may mắn, khi họ đã mất rất nhiều, thậm chí đã mất hết, hãy để cho họ có Quyền Con Người, Quyền Riêng Tư, đừng lấy nốt của họ Phẩm Giá! 

Trần Thu Hà