Tại sao vụ nổ tàu Titan không được công bố sớm hơn?

Truyền thông Mỹ cho biết chỉ vài giờ sau khi tàu lặn Titan mất tích, hải quân nước này đã biết khả năng tàu bị vỡ thông qua hệ thống dò âm dưới nước để phát hiện các tàu ngầm địch. Đến nay Mỹ mới xác nhận thông tin này.

Hải quân Mỹ đã biết tàu lặn Titan phát nổ từ vài ngày nay?

"Hải quân Mỹ đã tiến hành phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện sự bất thường phù hợp với một vụ nổ hoặc sập ở khu vực gần nơi tàu lặn Titan đang hoạt động khi mất liên lạc", một quan chức cấp cao giấu tên của Hải quân Mỹ nói với tờ Wall Street Journal.

Âm thanh được thu thập qua mạng lưới cảm biến dò âm dưới nước thuộc hệ thống bí mật của Hải quân Mỹ.

Đài CNN cũng dẫn nguồn tin quan chức Hải quân Mỹ xác nhận lực lượng này đã phát hiện âm thanh vụ nổ vào ngày 18/6, vài giờ sau khi tàu Titan mất tích trong chuyến lặn ngắm xác tàu Titanic. Dữ liệu này đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm của chiến dịch cứu hộ những ngày sau đó.

Tuy nhiên, hải quân Mỹ nói rằng dữ liệu âm thanh này chưa chắc chắn và "bất cứ cơ hội cứu người nào cũng đáng để tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm".

Tại sao vụ nổ tàu Titan không được công bố sớm hơn? - Ảnh 1.

Chuẩn đô đốc John Mauger phát biểu với giới truyền thông tại Căn cứ Cảnh sát biển Boston, ở Boston ngày 22/6. Ảnh: AP

Vậy nếu người ta nghe thấy tiếng nổ dưới nước vào hôm Chủ nhật, tại sao bây giờ chúng ta mới biết về nó? Theo Theguardian, có 2 phương án để lý giải cho việc này. Đầu tiên, các nhà phân tích không thể chắc chắn 100% rằng những gì họ phát hiện được là vụ nổ của Titan. Nếu có bất kỳ cơ hội nào, điều quan trọng là phải thử mọi thứ có thể để cứu sống mọi người.

Thứ hai, Hải quân Mỹ chậm tiết lộ thông tin vì muốn giữ bí mật về khả năng phát hiện tàu ngầm của mình. Điều này có thể giải thích tại sao ban đầu có rất ít thông tin chi tiết chính xác về những gì đã được phát hiện. 

Làm thế nào tàu Titan được phép hoạt động nếu nó chưa được chứng nhận?

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất tàu Titan đã lách luật một phần bằng cách hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Con tàu không được đăng ký với các cơ quan quốc tế, cũng như không được phân loại bởi bất kỳ tiêu chuẩn kỹ thuật nào từ các nhà công nghiệp hàng hải. Nhà điều hành của nó, OceanGate, cho biết điều này là do họ tin rằng thiết kế của Titan quá sáng tạo nên các thanh tra viên phải mất nhiều năm mới hiểu được.

Bart Kemper, một kỹ sư về thiết kế tàu ngầm và là người đã ký một lá thư năm 2018 yêu cầu OceanGate hoạt động theo các tiêu chuẩn đã được thiết lập, cho biết họ tránh phải tuân thủ các quy định của Mỹ bằng cách triển khai ở vùng biển quốc tế, ngoài tầm với của các cơ quan quốc gia như Cảnh sát biển Mỹ.

Hãng AP đưa tin, hoạt động khám phá xác tàu Titanic diễn ra trên vùng biển quốc tế, nơi mà các doanh nhân và khách du lịch giàu có đã chấp nhận rủi ro, phớt lờ luật pháp và quy định, để thực hiện ước mơ.

Theo Giáo sư Mercogliano, việc đưa ra các quy định thám hiểm biển sâu ít được xem xét kỹ lưỡng như đưa con người vào vũ trụ. Trong trường hợp của Titan, một phần là do hoạt động thám hiểm của con tàu diễn ra ở vùng biển quốc tế, nằm ngoài phạm vi quy định của Mỹ và các quốc gia khác.

Video mô tả khoảnh khắc tàu lặn Titan bị “nổ thảm khốc”, khiến toàn bộ 5 người trên tàu thiệt mạng. Nguồn: Tiktok

Ông Mercogliano cho hay tàu lặn Titan không được đăng ký ở Mỹ hay các cơ quan quản lý an toàn quốc tế khác. Con tàu này cũng không thuộc bất kỳ nhóm công nghiệp hàng hải, hay bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn về các vấn đề như xây dựng thân tàu.

Ông Salvatore Mercogliano, Giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, chuyên gia về lịch sử và chính sách hàng hải - cho biết: "Chúng ta đang ở thời điểm tiến hành các hoạt động lặn ở vùng nước sâu, tương tự như lĩnh vực hàng không vào đầu thế kỷ 20. 

Khi còn ở giai đoạn sơ khai, các quyết định được đưa thành luật chỉ là vô tình. Sẽ có lúc con người không cần phải đắn đo suy nghĩ về việc lên một chiếc tàu lặn và lặn xuống độ sâu 4.000m. Nhưng chúng ta vẫn chưa ở thời điểm đó".

Ông Stockton Rush, Giám đốc Điều hành của OceanGate, người đã thiệt mạng trên tàu Titan - từng nói rằng ông không muốn bị "mắc kẹt" vào những tiêu chuẩn như vậy. Trong một bài đăng trên trang web của công ty, ông Rush viết: "Việc đưa thực thể bên ngoài bắt kịp tốc độ của mọi đổi mới, trước khi thử nghiệm trong thế giới thực là điều cấm kỵ đối với sự đổi mới".

Điều tra nguyên nhân như thế nào khi tàu Titan không có hộp đen?

Sau khi phát hiện các mảnh vỡ từ tàu lặn Titan dưới đáy đại dương, trọng tâm cứu hộ giờ chuyển sang tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. 

Theo ông Ryan Ramsey, cựu thuyền trưởng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh nói với BBC rằng để trả lời câu hỏi tại sao điều này lại xảy ra và có thể làm gì để ngăn chặn nó, các nhà chức trách sẽ thu thập mọi mảnh vỡ mà họ có thể tìm thấy.

Ông Ramsey cho hay các chuyên gia không thể nắm bắt các hoạt động cuối cùng của Titan vì con tàu không có hộp đen. Do vậy, phần lớn quy trình điều tra còn lại sẽ gần giống việc điều tra tai nạn máy bay.

Trong khi đó, ông Tom Maddox, giám đốc điều hành của nhóm điều tra dưới nước Underwater Forensic Investigators, cho biết: "Những gì họ sẽ làm bây giờ là quay trở lại địa điểm đó (nơi tìm thấy các mảnh vỡ) và cố gắng tìm ra dấu vết dẫn đến nơi nào phát nổ". 

Maddox lưu ý rằng các mảnh vỡ có thể bị dòng hải lưu mang đi xa hơn.

(Nguồn: The Guardian)

THANH TRÚC