Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án khu thưởng lãm của Công ty Trung Nguyên có diện tích 1,5 ha, vốn đầu tư 33 tỉ đồng, được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019.
Mục đích của Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên là xây dựng không gian thưởng lãm, trưng bày để kinh doanh sản phẩm cà phê và các hàng hóa khác, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tuy nhiên sau 3 năm, dự án Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend mới chỉ hoàn thành các thủ tục pháp lý, chưa tiến hành đầu tư xây dựng… cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định, dự án này đã chậm tiến độ.
Trước đó, Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên lập hồ sơ dự án đề xuất dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có 15 tỷ đồng, nhưng không nêu phương thức góp vốn và tiến độ góp vốn; vốn huy động 18 tỷ đồng nhưng không có phương án huy động vốn (vay từ tổ chức tín dụng…) và tiến độ dự kiến là chưa đúng theo mẫu quy định tại Thông tư 16 (ngày 18/11/2015) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1655/QĐ-UBND chấm dứt dự án đầu tư khu thưởng lãm của Công ty Trung Nguyên tại xã Lộc An và giao UBND huyện Bảo Lâm quản lý đất sau khi thu hồi.
Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, được chính thức thành lập vào ngày 16/6/1996 bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Thành phố Buôn Ma Thuột, hiện nay có trụ sở chính tại TP.HCM.
Tập đoàn Trung Nguyên gồm có 5 công ty thành viên: Công ty cổ phần Trung Nguyên, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7, Công ty liên doanh Vietnam Global Gateway (VGG). Các công ty thành viên của tập đoàn Trung Nguyên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại.
Tập đoàn Trung Nguyên hiện có 3 nhà máy gồm Nhà máy cà phê Trung Nguyên (Dĩ An - Bình Dương) có diện tích 3 ha với toàn bộ dây chuyền thiết bị, công nghệ được sản xuất, chuyển giao trực tiếp từ Công ty chuyên chế tạo thiết bị chế biến thực phẩm và cà phê hòa tan của Ý.
Nhà máy cà phê Sài Gòn (Mỹ Phước - Bình Dương) được Trung Nguyên mua lại từ hợp đồng chuyển nhượng với Vinamilk với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD. Nhà máy Bắc Giang, nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á, tập trung chế biến và đóng gói thành phẩm cà phê hòa tan G7 và đầu tư hệ thống công nghệ chế biến để đáp ứng sự tăng trưởng của thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Tập đoàn Trung Nguyên đã có mạng lưới gần 1000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và 8 quán ở nước ngoài tại Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Ba Lan, Ukraina.
Các sản phẩm cà phê Trung Nguyên được phân phối tới 63 tỉnh thành trên cả nước và hiện đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới với các thị trường lớn trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc.
Theo báo cáo, năm 2016, doanh thu của Tập đoàn Trung Nguyên đạt trên 3.800 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 3.951 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu của Tập đoàn Trung Nguyên tăng mạnh so với năm trước đó lên 4.360 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp này giảm còn 4.234 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Trung Nguyên tụt giảm trong những năm gần đây. Từ mức 768 tỷ đồng năm 2016 xuống 681 tỷ đồng năm 2017, tiếp tục giảm một nửa còn 347 tỷ đồng năm 2018. Sang năm 2019, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt mức 138 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự tụt giảm đáng kể này là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.