'Thả rông' và nữ quyền

Kín đáo thì chắc gì đã là liệt nữ trung trinh. Mà "thả rông" chắc gì đã lăng loàn!

Gần đây, cái chết của Sulli nghệ sĩ nữ xứ Hàn làm dậy sóng truyền thông châu Á. Người ta dường như không thể tin được một cô gái có vẻ có cá tính nổi loạn, chuyên "thả rông" và thoải mái up những hình ảnh nóng bỏng trên mạng xã hội để thách thức dư luận lại có thể tự kết liễu đời mình ở tuổi 25.

Xem những trạng thái được chia sẻ gần nhất của cô, người ta có thể thấy được những dấu hiệu của một bệnh nhân trầm cảm. Trong một buổi livestream trực tiếp, cô chỉ khóc mà không nói bất kỳ lời nào. Hay trong một buổi livestream khác lại tiếp tục yếu ớt bật khóc và thanh minh mình không phải là người xấu khi bị các netizen tấn công vì lối ăn mặc "thả rông" mà trong mắt nhiều người đó là sự "phản cảm".

Nữ nghệ sỹ Sulli từng bị chỉ trích rất nhiều vì thói quen 'thả rồn'
Nữ nghệ sỹ Sulli từng bị chỉ trích rất nhiều vì thói quen 'thả rồn'

Ở tuổi 25, người ta vẫn còn hoang mang và lạc lối trước cuộc đời về cái tôi, đâu là mình, làm sao được sống với những khác biệt của mình mà ở Sulli một trong những biểu hiện của sự khác biệt chính là thả rông ngực trong một xã hội còn nhiều định kiến như Hàn Quốc. Và rồi, cô đau khổ khi bị đánh giá là "người xấu", không được xã hội chấp nhận tự do cá nhân. Cô đã tìm đến cái chết đầy tuyệt vọng.

Tôi biết không riêng gì Sulli, có nhiều người phụ nữ cũng đang phải nhận những đánh giá không mấy tích cực chỉ vì dám thả rông. Một chị bạn gần đây kể với tôi rằng chồng cũ chị ấy đã phán xét chị "dâm" chỉ vì can tội thỉnh thoảng "thả rông". Hay bản thân tôi, lúc làm việc trong môi trường nhà nước, tôi còn bị các đồng nghiệp nhắc nhở vì cái tội mặc áo ngực không có hai cái dây bên trên như-những-người-khác. Tôi cũng đã có những ngày nổi loạn như Sulli vừa muốn tuyên ngôn đó là lối sống của mình, vừa mong xã hội chấp nhận mình. Tại sao lại phải soi mói tôi đến như vậy?

Phim Việt nhiều lần gây tranh cãi khi có cảnh diễn viên 'thả rông'
Phim Việt nhiều lần gây tranh cãi khi có cảnh diễn viên 'thả rông'

Dường như phụ nữ sống trong xã hội nào dù là châu Á hay châu Âu dù làm ngành nghề gì đều rất dễ trở thành đối tượng của sự công kích về "nhân phẩm", về "thuần phong mỹ tục". Chả thế mà ngay cả các sao nữ của Hollywood nơi được xem là biểu tượng "tự do" như Mĩ vẫn bị đưa lên mặt báo rần rần mỗi khi "thả rông".

Kín đáo thì chắc gì đã là liệt nữ trung trinh. Mà "thả rông" chắc gì đã lăng loàn! Ngay cả khi lăng loàn thì đó cũng là lựa chọn sống của họ. Ta là ai mà nghĩ rằng người khác phải sống như mình mới là chuẩn mực? Huống chi, mặc áo ngực thật sự không tốt cho sức khỏe một chút nào. Chính thế, ngày 13/10 mới là ngày được lấy làm Ngày Quốc tế Không Áo ngực (National No Bra) để nâng cao nhận thức về ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, các chuyên gia khuyến khích các chị em được toàn quyền "thả rông" trong suốt ngày này.

Tôi tin rằng không cần bất kỳ chuyên gia nào nói thì tất thảy phụ nữ sẽ cảm thấy việc mặc áo ngực thật sự không dễ chịu một tí nào. Vì vậy mà nhiều người chỉ mong trở về nhà tháo quách cái áo ấy ra cho dễ thở sau khi đã thực hiện xong "khuôn phép" ăn mặc theo tiêu chuẩn xã hội ngoài kia. Nhưng cũng có những người phụ nữ đã sớm tự giải phóng cho mình khỏi những ràng buộc về khuôn phép. Họ sống thật với những cảm nhận của chính mình như Sulli và họ trở thành đối tượng công kích của chính những người phụ nữ len lén tháo áo ngực khi về nhà, hay của những gã đàn ông dấm dúi xem sex clip của những cô nàng nóng bỏng nhưng miệng thì chê cô này nhìn dâm, cô kia hư hỏng. Nhiều khi cũng chả trách họ được.

Đứng trước một vấn đề, nhiều người có những cách phản ứng khác nhau. Giống như vụ cô ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài, có người khen sexy, lại cũng có người chê phản cảm. Một người khi đã chọn sống theo cách mà mình muốn thì cũng nên học cách chấp nhận sự đa chiều của xã hội. Ta không thể nào bắt người khác nhìn nhận ta theo cách mà ta muốn. Nếu không, ta sẽ đau khổ vì bị đánh giá sai mong đợi của bản thân.

Cho đến giờ, tôi vẫn "thả rông" và tôi không nghĩ đó là tuyên ngôn về nữ quyền như khi mình còn trẻ. Chỉ đơn giản là tôi mặc trang phục phù hợp với mình, thoải mái, ích lợi cho sức khỏe. Nó không cần phải-giống-những-người-khác. Ai nghĩ "thả rông" là sai cũng là quyền nhận định của họ. Nhưng tôi đồ rằng một người luôn nhìn người khác bằng ánh mắt của định kiến thì chẳng thể nào hạnh phúc nổi với sự khó chịu của bản thân mình. Đó là chưa kể họ còn có thể vô tình giết chết một mạng người chỉ vì thói chỉ trích vô tội vạ. Nghiệp tụ vành môi.

Sona VA

Olga Tokarczuk - nữ chủ nhân Nobel Văn học 2018: Nhà nữ quyền ăn chay trong nền văn học Ba Lan

Olga Tokarczuk - nữ chủ nhân Nobel Văn học 2018: Nhà nữ quyền ăn chay trong nền văn học Ba Lan

Bà Tokarczuk là một nhà hoạt động, trí thức cộng đồng, nhà phê bình chính trị Ba Lan, đã giành giải thưởng Nobel Văn học năm 2018 được công bố ngày 10/10/2019.