Thế chấp... heo để vay vốn ngân hàng

Các hộ nông dân và trang trại chăn nuôi tại Trung Quốc có thể vay vốn ngân hàng để tái đàn bằng chính những con heo của mình.

Đàn heo của Trung Quốc giảm mạnh đến một nửa sau dịch tả heo châu Phi xuất hiện lần đầu vào tháng 8 năm 2018. Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá thịt heo , một loại thực phẩm chủ yếu của người Trung Quốc, lên cao.

Nông dân thế chấp heo vay vốn

Tờ Wall Street Journal cho rằng, Trung Quốc đang rất “khao khát” xây dựng lại đàn heo sau dịch tả heo châu Phi, đến mức các ngân hàng của nước này đang thử nghiệm các khoản vay cho nông dân được thế chấp bởi một tài sản mới: Heo của họ.

Chính phủ nước này lo lắng về lạm phát giá lương thực, đã khuyến khích nông dân tái sản xuất và mở rộng các trang trại chăn nuôi thương mại lớn hơn. Nhưng các trang trại gia đình nhỏ, chiếm 1/3 trong số hơn 26 triệu trang trại chăn nuôi heo của cả nước, đã phải vật lộn với các khoản nợ và không có tài sản đủ lớn để thế chấp vay mượn. Ở Trung Quốc, thế chấp bằng đất đai vẫn là phổ biến và chắc chắn nhất, nhưng đa số nông dân lại không có quyền sử dụng đất trong tay.

Với số lượng đàn heo của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn khoảng 20% so với cuối năm 2017, các nhà chức trách đã thúc đẩy các ngân hàng, chủ yếu là nhà nước, tìm giải pháp. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp nước này đã thúc giục các ngân hàng và công ty bảo hiểm hỗ trợ người chăn nuôi heo tốt hơn bằng cách phát triển các chương trình thí điểm sử dụng heo làm tài sản thế chấp vay.

Vào tháng 3/2020, bộ này yêu cầu các ngân hàng bắt đầu chấp nhận tài sản thế chấp là heo, quyền sử dụng đất và máy móc nông nghiệp. Các ngân hàng cũng phải hạ thấp ngưỡng cho một chương trình hỗ trợ cho vay riêng biệt xuống 90% để trang trải cho nông dân với số lượng heo dưới 500 con. Các khoản vay này không được thế chấp bằng số heo chăn nuôi.

Kể từ đó, hàng chục triệu USD đã được đưa vào sử dụng trong các chương trình thử nghiệm. Vào tháng 6/2020, các quan chức ở tỉnh Chiết Giang cho biết, nông dân ở 32 trong số các quận của tỉnh này đã vay tổng cộng 178 triệu nhân dân tệ, tương đương 26 triệu USD, cho khoản vay thế chấp bằng heo hơi.

Và ở phía tây thành phố Trùng Khánh, một công ty chăn nuôi heo đã thế chấp bằng những con heo nái được hỗ trợ bởi các chính sách bảo hiểm do chính phủ thiết kế, cho một ngân hàng địa phương. Điều đó cho phép họ tăng khoản vay của mình lên gấp 4 lần, tức khoảng 38,5 triệu nhân dân tệ, tương đương 5,6 triệu USD, đồng thời cắt giảm lãi suất từ 7,4% xuống 5%. Đàn heo cam kết được giám sát từ xa bởi chi cục chăn nuôi địa phương. Giá trị của khoản vay dựa trên mức chiết khấu so với giá heo trung bình trong 60 ngày trước đó.

Cho vay đối với chăn nuôi không phải là loại cho vay duy nhất ở Trung Quốc. Một số ngân hàng Mỹ từ lâu đã cho vay ngắn hạn đối với các khách hàng làm nông nghiệp được bảo đảm bằng vật nuôi hoặc cây trồng đang sản xuất.

Rủi ro cho ngân hàng nếu giá heo đi xuống

Số tiền được triển khai ở Trung Quốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng khổng lồ của nước này, do đó Wall Street Journal cho rằng, các nhà băng có thể “miễn cưỡng áp dụng” phương thức này rộng rãi hơn.

Trung Quốc cần tái đàn nhanh chóng trước khi đón một cái Tết thiếu vắng thịt heo như năm ngoái. Ảnh: WSJ
Trung Quốc cần tái đàn nhanh chóng trước khi đón một cái Tết thiếu vắng thịt heo như năm ngoái. Ảnh: WSJ

Lưu Diễm Diễm, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức cả về định giá heo và thực thi quyền của họ nếu các khoản vay trở nên tồi tệ.

Bà phân tích, giá heo hơi biến động, có nghĩa là các ngân hàng có thể bị lỗ nếu giá heo giảm sau khi họ tịch thu tài sản thế chấp nếu nông dân vỡ nợ. Và các ngân hàng sẽ cần phát triển các hệ thống để định giá heo và theo dõi, quản lý hoặc thậm chí xử lý chúng, nếu họ cuối cùng là người sẽ sở hữu đàn heo trên.

Theo bà Lưu, mặc dù hình thức cho vay này có thể hoạt động trên quy mô lớn, nhưng không có nhiều ý nghĩa kinh tế nếu làm việc với các nông hộ nhỏ. Điều đó khiến các ngân hàng có rất ít động lực để mở rộng chương trình.

Phùng Vĩnh Huy, nhà phân tích trưởng tại Cổng thông tin công nghiệp chăn nuôi heo Soozhu.com, cho biết, các ngân hàng có xu hướng giảm giá mạnh đối với giá trị đàn heo của nông dân khi tiến hành kiểm tra tín dụng và đưa ra giá trị các khoản vay. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng yêu cầu người nông dân phải kết hợp thế chấp bằng các tài sản khác, như cơ sở vật chất hoặc phương tiện, với đàn heo của họ để được vay.

Ông Phùng cho biết, một chiến dịch làm sạch môi trường trong những năm gần đây cũng đã làm giảm đàn heo của Trung Quốc. Từ năm 2015, chính quyền đã phá bỏ nhiều trang trại chăn nuôi heo gần khu đô thị và gần nguồn nước, chủ yếu là do nước thải từ các trang trại làm ô nhiễm sông suối.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng đàn heo Trung Quốc khó phục hồi trong năm nay. Ảnh: Time
Dù có nhiều nỗ lực nhưng đàn heo Trung Quốc khó phục hồi trong năm nay. Ảnh: Time

Ngoài việc cho vay thế chấp bằng heo, Trung Quốc còn tung nhiều biện pháp để cải thiện tình hình. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy, dự trữ heo đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ cho biết, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xây dựng gần 6.200 trang trại nuôi heo lớn mới và gần 10.800 trang trại lớn đã tái đàn sau khi bị tiêu hủy hàng loạt trong hai năm qua.

Giá thịt heo bán lẻ tăng 53% đã làm đẩy giá lương thực nói chung tăng 11% trong tháng 8 so với năm trước, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 7, khi tháng trước, thịt heo đã tăng 86%, khiến giá thực phẩm tăng 13%.

Để có lại một bức tranh đầy đủ về ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc là một thách thức. Đầu năm nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã bắt đầu xuất hiện trở lại sau nhiều tháng không có ca bệnh mới ở các trang trại. Vào tháng 4, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, việc che giấu về dịch bệnh cũng đang tràn lan.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương