Thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian dài "nóng sốt" cục bộ

Gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian dài "nóng sốt" cục bộ ở nhiều địa phương. Nhiều khu vực làng quê có giá đất tăng phi mã khiến nhiều người lao vào kinh doanh bất động sản và làm môi giới, cò đất.

Thời điểm thị trường "sốt nóng", hoạt động đấu giá đất ở nhiều địa phương có người tham gia đông khiến việc trúng giá cao. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định.

Thị trường đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên đã hạ nhiệt thấy rõ. Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng cục bộ". Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.

UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng ra 3 quyết định về việc hủy bỏ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do cá nhân trúng đấu giá trước đó. Giá trị 3 thửa đất cá nhân này trúng đấu giá là hơn 16 tỷ đồng. Lý do hủy quyết định trúng đấu giá là do người trúng chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Trước đó không lâu, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã ra 11 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của một cá nhân ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất diện tích từ 118 m2 đến 134 m2, ở khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng. Lý do là người trúng đấu giá 11 lô đất chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

11 lô đất có giá khởi điểm 5,3 tỷ đồng, người trúng đấu giá trả lên cao gần 13 tỷ đồng, có nhiều lô được trả giá cao gấp hai lần so với giá khởi điểm. Để tham gia đấu giá, cá nhân trên đã nộp tiền cọc 975 triệu đồng.

Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại.

Mặt khác, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn "sốt đất" liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn. Khi "sốt đất" qua đi, nhiều nhà đầu tư "ăn theo" độ "nóng" của thị trường, sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư buộc phải bán tháo, thoát hàng nhanh giữa vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường nhà, đất. Kịch bản "chết trên đống tài sản" sẽ thành hiện thực khi đầu cơ đất đai lên cao và các nguồn cấp vốn "khóa van" tín dụng.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - hiện tại có hiện tượng các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương lợi dụng thông tin từ các cuộc họp về quy hoạch đất đai để trục lợi, loan tin "vịt" làm thị trường nóng lên, giá đất tăng, như ở huyện Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM).

Cũng theo ông Châu, yếu tố hạ tầng giao thông tốt hay việc chính quyền thúc đẩy phát triển ở khu vực nào thì giá đất ở đó tăng theo, nhưng người mua cần cân nhắc bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Bởi nếu may mắn chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hay đầu nậu hưởng lợi.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, đơn vị đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm "đầu nậu", thổi giá đất bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang.

Tổng Hợp