Thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ bởi các sự kiện khủng hoảng

Theo phân tích từ Agriseco Research, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ bởi các sự kiện khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Dù vậy, xét từ 3-6 tháng sau, thị trường thường giảm tương đương thị trường thế giới do có độ trễ nhất định. 

FED thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ là rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam. Theo khảo sát của CME Group, giới quan sát dự báo FED có thể nâng lãi suất điều hành ít nhất 125 điểm cơ bản vào năm 2022, từ tháng 3/2022. Điều này sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng. Thêm vào đó, áp lực lạm phát trong nước là không nhỏ do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao. Đây là thử thách lớn với Việt Nam, khi Chính phủ và NHNN có chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Không những thế, một số ý kiến lo ngại vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của “taper tantrum” - hiện tượng xảy ra năm 2013 khi FED chỉ mới phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động, các tài sản ồ ạt bị bán tháo.

Những lo ngại kể trên đã phần nào ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, VN-Index chốt phiên 8/3 ở mức 1.473,71 điểm, giảm 3,4% so với thời điểm đầu năm, và cũng là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, giá trị khớp lệnh bình quân tháng 2 giảm xuống dưới mức 25.000 tỷ đồng/ngày, thấp hơn 15% so với mức bình quân tháng trước đó.

Dù vậy, trong nguy có cơ, thị trường chứng khoán trong năm nay vẫn được đánh giá còn nhiều cơ hội và triển vọng.   Một trong những động lực đầu tiên phải kể đến là Chương trình hồi phục kinh tế có giá trị 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua hồi đầu năm, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sắp sửa được triển khai, chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp của Chính phủ.

Ngoài ra, mùa ĐHĐCĐ thường niên cùng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với nhiều gam màu sáng dần được công bố. VnDirect kỳ vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HoSE trong năm nay sẽ tăng trưởng 23% so với năm ngoái. Trong năm 2021, lãi ròng các công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng 41,9% so với năm 2020. Tính riêng sàn HoSE, con số này là 38,7%. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn và góp phần mở rộng quy mô và gia tăng thanh khoản thị trường.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam có nhiều thuận lợi để được nâng hạng lên trạng thái mới nổi sớm nhất vào năm 2022 hoặc muộn nhất vào năm 2025. Theo ước tính của MBS, việc Việt Nam được đưa vào chỉ số FTSE EM sẽ thu hút ít nhất 355 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, theo tỷ trọng khoảng 0,36% –0,41%. Trong khi đó, với chỉ số MSCI EM, con số này vào khoảng 327 triệu USD, với tỷ trọng vào khoảng 0,69% –0,78%.

Theo quan điểm của VnDirect, định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt được ước tính là 13,9 lần và 11,8 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,2 lần). Công ty chứng khoán này kỳ vọng rằng chỉ số chính có thể giao dịch trong khoảng 1.460-1.560 điểm trong tháng 3/2022. VnDirect khuyến nghị thị trường điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới.

Trong khi đó, Mirae Asset nhận định VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 16,9 lần – có xu hướng giằng co quanh ngưỡng P/E trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (SD). Tại ngưỡng này, Mirae Asset cho rằng mức định giá hiện tại vẫn chưa quá cao so với lịch sử. Do không thay đổi dự phóng EPS năm 2022, Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm (tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16 lần) trong năm nay.

Với CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đơn vị này đánh giá VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.569 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ chủ yếu tập trung vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. MBS đề ra 3 kịch bản với thị trường năm 2022. Cụ thể, ở kịch bản thận trọng, VN-Index đạt từ 1.461 – 1.522 điểm; kịch bản cơ bản là từ 1.536 – 1.630 điểm; kịch bản lạc quan dao động từ 1.646 – 1.688 điểm.

“Thăng hoa” có lẽ là cụm từ chính xác và cô đọng nhất tóm gọn lại diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 2 năm qua, khi các chỉ số chính liên tục tăng trưởng là lập đỉnh mới.  Chốt phiên giao dịch 8/3/2022, VN-Index đạt 1.473,71 điểm, tăng lần lượt 31,5% và 52,4% so với năm 2021 và 2020. Xét trong 1 năm trở lại đây, VN-Index đã tăng 28,27%, đứng trong top 5 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Vốn hóa HoSE theo đó đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng (tương đương gần 253 tỷ USD), tăng gần 41% so với năm 2021.

Điểm nhấn lớn nhất là VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm ở phiên 25/11/2021. Sau đó, chỉ số đã lập đỉnh lịch sử kể từ khi thành lập tại mốc 1.528,57 điểm (phiên 6/1/2022). Bên cạnh đó, thanh khoản HoSE hơn 2 năm qua liên tục tăng trưởng. Tổng giá trị và khối lượng giao dịch bình quân của năm 2021 đạt 21.593 tỷ đồng/phiên và 737,29 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020. Xét bình quân giai đoạn 2018-2021, tổng GTGD HoSE/phiên tăng bình quân 73,6% mỗi năm.

Chứng khoán liên tục lập đỉnh mới trong bối cảnh GDP cả năm 2021 chỉ tăng 2,58%. Giới chuyên gia lý giải sự lệch pha này do dòng mặt bằng lãi suất giảm mạnh, khiến dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán tìm kiếm lợi nhuận. Điều này thể hiện qua việc lớp lớp nhà đầu tư mới tích cực tham gia thị trường. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017-2020 cộng lại (1,04 triệu tài khoản).

Còn tính 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn cả năm 2020 (393.659 tài khoản)Điểm trừ của thị trường trong 2 năm vừa qua động thái xả ròng rất mạnh của khối ngoại. Theo đó, nhóm này đã bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng năm 2020 và bán kỷ lục 60.000 tỷ đồng trong năm 2021. Dù vậy, điểm tích cực là đà bán ròng của NĐTNN có xu hướng hãm lại. Tính riêng tháng 2/2022, NĐTNN chỉ còn bán ròng 371 tỷ đồng.

Tổng Hợp