Thị trường đất nền vùng ven "trầm lắng"

Theo các chuyên gia bất động sản, thời gian qua, tâm lí nhà đầu tư chịu ảnh hưởng dưới nhiều tác động của thị trường như lạm phát, chứng khoán biến động, vật giá leo thang.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tín dụng thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ gặp khó khăn trong nguồn vốn. Từ đó, làn sóng đầu tư (đặc biệt là đầu tư lướt sóng) giảm sút. Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại nhiều diễn biến cần chú ý. Đó là tình trạng "sốt đất ảo" cục bộ, dẫn đến giá tăng cao nhưng không có nhiều giao dịch. Vì vậy, người mua cần tỉnh táo trong những cơn "sốt" đất bởi hệ luỵ khi những cơn sốt đi qua là rất lớn. Nhất là những rủi ro liên quan đến pháp lý, tình trạng phân lô, bán nền trái phép hoặc do không nắm rõ về quy hoạch dự án, trong khi giá trị bất động sản không hề nhỏ.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng cục bộ". Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.

Ông Phạm Lâm - CEO DKRA cho biết, dù mức độ quan tâm giảm mạnh nhưng giá bán đất nền vùng ven lại vẫn trên đà tăng mạnh. Cụ thể, giá bán đất nền thứ cấp tăng phổ biến 7% - 11% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá bán tiếp tục leo thang sẽ là rào cản lớn cho nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

"Tuy nhiên, thanh khoản thứ cấp sụt giảm phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền. Dự báo nguồn cung, sức cầu trong tháng tới sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường", ông Lâm cho hay.

Theo báo cáo của Công ty DKRA Việt Nam, trong tháng 5/2022, phân khúc đất nền tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh có 8 dự án, 5 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, đưa ra thị trường 889 nền, tiêu thụ 656 nền (lượng tiêu thụ chỉ được 74%).

Tỷ lệ tiêu thụ tập trung chủ yếu ở thị trường tỉnh Long An (chiếm 70%), nguyên nhân do chủ đầu tư booking từ sớm trước khoảng 3 – 6 tháng. Các khu vực còn lại ghi nhận giao dịch thấp từ 20 – 50% tổng nguồn cung. Bởi trong 2 năm ảnh hưởng của dịch, người dân có xu hướng chọn đất nền để trú ẩn dòng tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, gần đây mức độ quan tâm của người dân vào đất nền đã sụt giảm do hệ luỵ của việc kiểm soát tín dụng.

Mức độ quan tâm đất nền các tỉnh giáp ranh TP.HCM bất ngờ sụt giảm. Theo các chuyên gia, việc kiểm soát chặt tín dụng là nguyên nhân chính làm giảm thanh khoản phân khúc này.

Tổng Hợp