Thị trường M&A sôi động: Gọi vốn hay 'bán mình'?

Nhà đầu tư nước ngoài áp đảo trên thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) năm 2023 và thị trường có nhiều dấu hiệu chuyển hướng từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn.

Đó là những chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo "Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức.

Theo số liệu từ Công ty KPMG Việt Nam, trong khi 3 năm trước đây các nhà đầu tư nội vượt trội trong thị trường M&A thì trong năm 2023 top 5 thương vụ đều thuộc về nhà đầu tư ngoại.

Tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Giảng viên tài chính của Đại học RMIT Việt Nam, trong xu thế gần đây, nhóm ngành chiếm ưu thế lớn nhất là công nghệ, sau đó đến y tế… Ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 8-9% nhưng là lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia rất mạnh vào các thương vụ M&A tại Việt Nam. Tiêu biểu như Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy).

Sở dĩ có xu hướng này, theo TS Nguyễn Tuấn Anh là do đồng Yên đang mất giá nên các doanh nghiệp Nhật tìm cách mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài như Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Hiện nay các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh.

Thị trường M&A sôi động: Gọi vốn hay 'bán mình'?- Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ về hoạt động M&A tại Việt Nam. Ảnh: Cẩm Viên.

Thị trường M&A sôi động

Thống kê của Viện Mua bán sáp nhập và liên minh (IMAA) cho thấy, từ năm 1996 đến hết năm 2022, Việt Nam đã có khoảng 6.550 thương vụ M&A, trong đó ba nhóm nhà đầu tư chính là Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Kể từ năm 2012, nhà đầu tư Thái Lan đã tích cực thực hiện các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, SCG đã chi ra 240 triệu USD để mua lại nhà máy sản xuất gạch ốp lát tại Vĩnh Phúc (Prime).

Từ công suất ban đầu là 2 triệu m2/năm, Prime đã mở rộng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, trở thành nhà sản xuất gạch men lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. SCG hiện có 24 công ty con tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bao bì (8 công ty), vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng và khai thác khu công nghiệp, khu đô thị.

Thời kỳ "làn sóng Thái Lan" đạt đỉnh cao trong hai năm 2016-2017 với 6 thương vụ trong năm 2016 (3 bán lẻ, 2 F&B và 1 vật liệu xây dựng). Năm 2017 đánh dấu hai thương vụ lớn là ThaiBev thâu tóm Sabeco (5 tỷ USD) và Central Group thâu tóm BigC (1 tỷ USD).

Người Thái vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam với các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, F&B, năng lượng tái tạo và tài chính tiêu dùng, với thương vụ mới nhất là SCB, ngân hàng lâu đời nhất ở Thái Lan, thâu tóm Home Credit Vietnam.

Trong giai đoạn 2018-2022, người Hàn Quốc trở thành nhóm nhà đầu tư chiếm ưu thế trên thị trường M&A Việt Nam. Từ tháng 10/2021, tốc độ dòng vốn FDI và FII (vốn của nhà đầu tư định chế) tăng, đồng thời các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh thâu mua các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng. Ngoài ra, các lĩnh vực dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế, và doanh nghiệp xuất khẩu cũng là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Một số thương vụ đáng chú ý bao gồm thỏa thuận hợp tác giữa Sơn Kim Land và GS Retail để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 vào năm 2017; Hanwha chi 400 triệu USD để mua cổ phiếu của VinGroup trong đợt phát hành tháng 8/2018; SK Group chi 470 triệu USD để mua 9,5% cổ phần của Masan vào tháng 9/2018.

Năm 2019 chứng kiến một loạt thương vụ nổi bật như SK Group chi 1 tỷ USD mua 6,15% cổ phần của Vingroup; KEB Hana mua lại 15% cổ phần của BIDV với giá 885 triệu USD. Năm 2022, Công ty đầu tư tài chính Hana trở thành cổ đông lớn thứ hai của Công ty chứng khoán BIDV, chiếm 35% cổ phần, với giá trị 114 triệu USD; Tập đoàn tài chính Shinhan mua 10% cổ phần của Tiki, trở thành cổ đông lớn thứ 3 của nền tảng này.

Ngoài ra, tại Việt Nam đang hình thành một đợt sóng M&A mới do người Nhật Bản dẫn dắt, với các thương vụ đáng chú ý như Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi 1,45 tỷ USD mua 15% cổ phần tại VPBank.

Trước đó, vào năm 2021, SMBC đã mua 49% cổ phần FE Credit (với giá trị lúc đó là 2,8 tỷ USD) và năm 2019, họ đã đầu tư vào Eximbank và Bảo Việt. Ngoài ra, còn các thương vụ khác như Sojitz muốn mua độc quyền 100% Đại Tân Việt (New Viet Dairy), cùng với đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD) và chuỗi cửa hàng Ministop của Aeon Mall.

Thị trường M&A sôi động: Gọi vốn hay 'bán mình'?- Ảnh 2.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, năm 2024 dự kiến sẽ chứng kiến sự sôi động của thị trường M&A. Nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư ổn định và bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Nhà đầu tư cũng nhắm đến thương vụ trong lĩnh vực có tiềm năng, mức định giá thấp như bất động sản và xây dựng. Sự sôi động này còn đến từ nguyên nhân nội tại của các doanh nghiệp nội địa, khi nguồn vốn trong nước bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán tài sản và kêu gọi đầu tư để giải quyết áp lực tài chính.

Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nhà đầu tư có chiến lược dài hạn, TS Nguyễn Tuấn Anh lưu ý rằng môi trường chính sách ở Việt Nam cần phải thuận lợi hơn đối với hoạt động thoái vốn. Một yếu tố quan trọng khác là giảm thời gian hoàn tất thương vụ, điều này đặc biệt quan trọng để thu hút nhà đầu tư.

Đối với doanh nghiệp, sự chủ động không chỉ là ở phía người bán, mà còn ở phía người mua. TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh rằng xu hướng lớn về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) sẽ ngày càng thúc đẩy các thương vụ M&A trong tương lai.

M&A nhưng không "bán mình"

Luật sư Đào Tiến Phong, đại diện từ Công ty Tư vấn InvestPush, nhấn mạnh về sự quan trọng của chuẩn bị tâm thế và hiểu biết về liên doanh trong quá trình thực hiện M&A. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, việc này có thể là một thách thức, vì vậy để định rõ vai trò của mỗi bên liên quan và tạo sự hài hòa trong việc giải quyết vấn đề tài sản, là điểm quan trọng.

Luật sư Đào Tiến Phong cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khi lập kế hoạch cho thương vụ M&A. Ông đề xuất việc thiết lập cơ cấu cổ phần trước khi tiến hành M&A, điều này giúp đơn giản hóa quy trình pháp lý và giảm rủi ro liên quan đến thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến chiến lược "chống pha loãng" để tránh bị thâu tóm toàn bộ công ty, đặc biệt là trong trường hợp chỉ muốn bán một phần.

Tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn trong nước trở nên đắt đỏ so với các quốc gia khác, kể cả những nước đang phát triển, doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến việc mở rộng tìm kiếm nguồn vốn quốc tế. 

Bên cạnh việc tìm kiếm vốn, doanh nghiệp cũng chú trọng vào các yếu tố khác như công nghệ, kỹ năng, quản trị, thị trường, và sử dụng các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Bà Lan cảnh báo về tình trạng ngưng hoạt động của nhiều doanh nghiệp từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay vẫn tăng cao và nếu doanh nghiệp được cấp vốn kịp thời thì không như vậy. Điều này đặt ra vấn đề về chính sách vĩ mô cần phải tốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn quốc tế và củng cố vị thế trong quá trình thực hiện M&A. 

"Giữ vững chủ thể nội địa trong các thương vụ M&A có thể tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, chứ không phải hình thức "bán đứt" thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, điều này có thể làm suy yếu nội lực kinh tế của Việt Nam", bà Phạm Chi Lan lưu ý.

VIÊN VIÊN