Thị trường nông sản 18/4: Cà phê đi ngang, hồ tiêu tăng nhẹ, cao su biến động trái chiều

Thị trường nông sản hôm nay 18/4 ghi nhận giá cà phê đi ngang, giá tiêu tăng nhẹ một số nơi, riêng cao su biến động trái chiều.

Giá cà phê đi ngang

Giá cà phê hôm nay 18/4 chững giá ở thị trường trong nước, thị trường thế giới cũng giảm 7,6%.

Tại Lâm Đồng, giá cà phê hiện được dao dịch ở mức thấp nhất với 40.400 đồng/kg, cao nhất ở Đắk Lắk 41.000 đồng/kg. 

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3 thiết lập kỷ lục mới, đạt trên 211.000 tấn, trị giá 474 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 48% về trị giá so với tháng 2.

Tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Mỹ, Anh và Nga giảm.

istockphoto-919351188-612x612.jpg

Theo Food News, giá cà phê trực tuyến robusta tại sàn London giao tháng 5/2022 giảm nhẹ xuống mức 2.087 USD/tấn, giảm nhẹ 0,19% (tương đương 4 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại sàn New York tiếp đà giảm xuống mức 223,60 US cent/pound, ghi nhận giảm nhẹ 0,64% (tương đương 1,45 US cent) tại thời điểm khảo sát.

Lo ngại rủi ro vẫn còn cao nên các giới đầu cơ tiếp tục thanh lý vị thế ròng trên cả hai thị trường kỳ hạn khi ngày giao hàng đầu tiên (FND) của kỳ hạn tháng 5 cũng gần kề…

Xuất khẩu cà phê thế giới đạt 11,4 triệu bao loại 60 kg trong tháng 2, tương ứng với mức tăng khoảng 1,8% so với cùng tháng năm 2021, dữ liệu từ báo cáo ICO mới nhất cho thấy.

Ngoài ra, vụ cà phê 2022/23 của Brazil được ngân hàng Rabobank của Hà Lan dự báo ở mức 64,5 triệu bao loại 60 kg, thấp hơn mức ước tính trước đó là 66,5 triệu bao. .

Thị trường tiêu ghi nhận xu hướng tăng

Giá tiêu hôm nay 18/4 dao động trong khoảng 75.500 - 78.500 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường hồ tiêu có xu hướng tăng rải rác.

Giá tiêu tại Chư Sê (tỉnh Gia Lai): 76.000 đồng/kg, Đắk Lắk và Đắk Nông: 77.500 đồng/kg, Bà Rịa – Vũng Tàu: 79.500 đồng/kg, Bình Phước: 78.500 đồng/kg, Đồng Nai: 77.000 đồng/kg.

5023.jpg_wh860.jpg

Theo báo cáo mới nhất, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu tại các nước sản xuất biến động không đồng nhất trong đầu tháng 4/2022.

Tại Brazil, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định so với ngày 30/3, giao dịch ở mức 3.850 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với ngày 30/3, giao dịch ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn.

Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 30/3, xuống còn 3.940 USD/ tấn và 4.140 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 7/4/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 212 USD/tấn so với ngày 30/3, lên mức 7.113 USD/tấn. 

Giá cao su biến động trái chiều

Giá cao su hôm nay trên hai sàn Nhật Bản và Thượng Hải tiếp tục biến động trái chiều với mức điều chỉnh dưới 1%.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 18/4/2022, kỳ hạn tháng 8/2022, tăng mạnh lên mức 266,3 JPY/kg, tăng mạnh 2,8 yên, tương đương 1,05%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 40 CNY, xuống mức 13.215 CNY/tấn, tương đương 0,30%.

ps1_pnft.jpg

Giá cao su tại Nhật Bản tăng một phần nhờ thị trường chứng khoán tăng mạnh và nguồn cung cao su nguyên liệu khan hiếm.

Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết, triển vọng thị trường cao su tự nhiên toàn cầu vẫn khả quan trong năm 2022.

Sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới năm 2022 dự kiến sẽ tăng 1,9% so với năm 2021, lên mức 14,107 triệu tấn; trong khi tiêu thụ dự kiến tăng 1,2% so với năm 2021, lên mức 14,232 triệu tấn.

Các yếu tố hỗ trợ cho giá cao su năm 2022 bao gồm: điều kiện thời tiết bất lợi có thể làm khan hiếm nguồn cung trong những tháng tới, tốc độ tăng trưởng doanh số bán ô tô khả quan ở các nền kinh tế lớn, nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng.

Giá lúa gạo ổn định

Giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay ổn định. Giá gạo NL IR 504 ổn định ở mức 7.950- 8.050 đồng/kg, gạo TP IR 504 ở mức 8.500-8.600 đồng/kg, tấm IR 504 ở mức 7.800-7.900 đồng/kg.

Trên thế giới, giá gạo kỳ hạn giao dịch quanh mức 160 USD/tấn, không xa mức cao nhất trong 20 tháng là 165 USD vào ngày 4/3, trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Gạo đã trở thành nguồn thay thế rẻ cho lúa mì và ngô, đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới sau khi Nga xâm lược Ukraina khiến các lô hàng ngũ cốc từ hai quốc gia này ngừng vận chuyển.

Nga và Ukraina cùng chiếm khoảng 25% lượng lúa mì toàn cầu và 16% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, USDA cho thấy lượng gạo tồn kho cuối kỳ 2021/22 thế giới ở mức kỷ lục 190,5 triệu, tăng 4,2 triệu tấn so với tháng 2, do nguồn cung tăng từ Ấn Độ và Thái Lan được thiết lập để bù đắp cho sự gia tăng tiêu thụ toàn cầu.

Tuy nhiên, hàng tồn kho dự kiến ​​sẽ sớm cạn kiệt dẫn đến giá tiếp tục tăng, nếu Ấn Độ, nước sử dụng lớn thứ hai sau Trung Quốc chuyển sang gạo do giá lúa mì trong nước cao kỷ lục.

Giá ngũ cốc hôm nay

Giá ngô Mỹ tăng do nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị thắt chặt và sự không chắc chắn về triển vọng sản lượng khi cuộc xung đột Nga – Ukraina vẫn tiếp diễn. 

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 kết thúc phiên tăng 6-3/4 US cent lên 7,9-1/4 USD/bushel. 

Giá lúa mì Chicago kỳ hạn ở mức 11 USD/bushel vào giữa tháng 4, không xa mức cao nhất trong một tháng là 11,3 USD vào ngày 13/4 và cao hơn 30% so với giá trước khi Nga xâm lược Ukraina trong bối cảnh lo ngại về mối lo thiếu cung.

USDA đã hạ dự báo tồn kho cuối kỳ toàn cầu 3,1 triệu tấn xuống còn 278 triệu tấn, phần lớn do xuất khẩu của Ukraine giảm, dự báo bằng 50% so với năm ngoái là 18,2 triệu tấn.

Dữ liệu từ FAO dự kiến ​​sản lượng lúa mì của Ukraina sẽ giảm đáng kể vào năm 2022, với ít nhất 20% diện tích đồn điền vụ đông không được thu hoạch do bị phá hủy trực tiếp, hạn chế tiếp cận hoặc thiếu hoặc không có nguồn cung cấp để thu hoạch vụ mùa.

Ngoài ra, nền kinh tế suy giảm và thiếu hụt đầu vào nông nghiệp dự kiến ​​sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng của Nga. Cùng với nhau, Nga và Ukraina chịu trách nhiệm về gần 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới trước chiến tranh.

Trong khi đó, tình trạng thiếu mưa đã cản trở kỳ vọng sản xuất ở vành đai lúa mì Bắc Mỹ, với 69% trang trại trồng lúa mì vụ đông gặp hạn hán.

(Tổng hợp)

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương