Thụy Sĩ đang giúp Nga kiếm hàng tỷ USD bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây?

Thị trường hàng hóa đang được chú ý khi Nga tiếp tục bán dầu và khí đốt của mình thông qua các đại lý chuyên biệt ở Thụy Sĩ và việc kinh doanh này đã mang lại hàng tỷ USD, và số tiền này có thể được Nga sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraina.

Ẩn mình trong dãy Alps, Thụy Sĩ được biết đến là một trung tâm tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, việc kinh doanh hàng hóa ít được chú ý hơn mặc dù hoạt động kinh doanh này lại quan trọng hơn rất nhiều.

swiss-banks-2021-swiss-banking-system-1.jpg
Thụy Sĩ được cho là đang gián tiếp giúp Nga kiếm tiền từ việc buôn bán nguyên liệu thô.

Điều này có vẻ kỳ lạ đối với một quốc gia cách xa các tuyến đường thương mại chính, không tiếp cận với đại dương và không có thuộc địa cũ hoặc bất kỳ nguồn nguyên liệu thô quan trọng nào của riêng mình. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là một trong những trung tâm thương mại nguyên liệu thô quan trọng nhất thế giới.

"Ở Thụy Sĩ, ngành công nghiệp này có tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn đáng kể so với du lịch hoặc công nghiệp máy móc", Oliver Classen, một thành viên của tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ Public Eye cho biết.

Các giao dịch lớn được thực hiện ở đây gần như bí mật.

Theo một báo cáo của chính phủ, kể từ năm 2018, khối lượng giao dịch thương mại được xử lý thông qua Thụy Sĩ ước tính đạt gần 1.000 tỷ USD. Năm công ty lớn nhất ở Thụy Sĩ về doanh số không phải là ngân hàng hay công ty dược phẩm, mà là những nhà kinh doanh hàng hóa. Hầu hết trong số 900 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Geneva, Zug hoặc Lugano.

Hàng hóa của Nga thường đi qua Thụy Sĩ

Khoảng một phần ba lượng dầu giao dịch trên toàn thế giới được mua và bán ở Geneva. Tương tự như vậy, 2/3 thương mại toàn cầu về kim loại cơ bản như kẽm, đồng và nhôm, và 2/3 lượng ngũ cốc giao dịch quốc tế được chế biến ở Thụy Sĩ.

Báo cáo của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Moscow, khoảng 80% nguyên liệu dầu thô của Nga được bán qua Thụy Sĩ.

Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập chính của Tổng thống Vladimir Putin. Nó tạo ra từ 30% -40% ngân sách nhà nước Nga. Chỉ tính riêng trong năm 2021, các công ty quốc doanh của Nga đã kiếm được khoảng 180 tỷ USD từ xuất khẩu dầu.

image.jpg
Hàng hóa Nga - trong đó có dầu thô- được cho là được buôn bán thông qua các công ty Thụy Sĩ.

Với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina, các chính trị gia Thụy Sĩ đang trở thành đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất.

"Thụy Sĩ phải tắt “chiếc vòi” tài trợ cho chiến tranh của Nga", Cedric Wermuth, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sĩ đưa ra yêu cầu trên đài phát thanh SRF.

Thật vậy, đất nước này đang ở vị trí độc nhất để cắt đứt giao thương hàng hóa và vận may của những người Nga giàu có. Tuy nhiên, cho đến nay, các lệnh trừng phạt mà EU và Mỹ áp đặt vẫn chưa ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu thô.

Đúng như lịch sử của mình, Thụy Sĩ vẫn duy trì tình trạng trung lập và không áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình. Luật cấm vận của Thụy Sĩ quy định nước này chỉ có thể tham gia các lệnh trừng phạt mà các nước khác đã đưa ra, do đó nước này có thể chỉ thực hiện các biện pháp đó nếu bị áp lực từ các đối tác thương mại lớn hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định về các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hàng hóa thường được mua bán trực tiếp giữa các chính phủ và thông qua các sàn giao dịch hàng hóa. Các công ty ở Thụy Sĩ chuyên kinh doanh trực tiếp hàng hóa, bởi vì họ có đủ tiền để thực hiện giao dịch ngay từ đầu.

Tùy thuộc vào giá dầu hiện tại, một chuyến chở dầu thô chở bằng tàu có thể trị giá 100 triệu USD. Đó là tiền mà hầu hết các công ty không thể giao dịch ngay, nhưng các công ty Thụy Sĩ có các công cụ tài chính cho các giao dịch lớn như vậy.

Trong các giao dịch này, thư tín dụng thường được sử dụng.

Một ngân hàng cho đại lý một khoản vay và tạm thời trở thành chủ sở hữu của hàng hóa. Ngay sau khi người mua thanh toán cho ngân hàng, quyền sở hữu nguyên vật liệu thô sẽ được ngân hàng chuyển giao cho các công ty thương mại. Kết quả là, các công ty thương mại Thụy Sĩ có hạn mức tín dụng lớn và ngân hàng có hàng hóa là tài sản đảm bảo.

Không có thông tin chi tiết về các giao dịch

Cuối cùng, các nguyên liệu thô thường không bao giờ chạm đất Thụy Sĩ, mà đi trực tiếp từ nước xuất xứ đến tay người nhận. Được gọi là giao dịch quá cảnh, những giao dịch này chỉ có tiền chảy qua Thụy Sĩ.

Do đó, không có thông tin về phạm vi thương mại thông qua hải quan Thụy Sĩ. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ thường công bố một số dữ liệu, nhưng thông tin này lại không ghi chi tiết dòng chảy của nguyên liệu thô.

60978552_303.jpg
Hàng hóa thường không trực tiếp qua Thụy Sĩ nên Hải quan nước này không có số liệu.

Elisabeth Bürgi Bonanomi (Đại học Bern) cho biết: “Toàn bộ hoạt động thương mại hàng hóa không được ghi chép và kiểm soát chặt chẽ. Bạn phải thu thập khá nhiều dữ liệu, và không phải tất cả thông tin đều có sẵn".

Cần một cơ quan quản lý mới cho thị trường hàng hóa

Việc thiếu quy định là điều rất may mắn cho các nhà kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là khi nhiều hàng hóa được khai thác ở các nước phi dân chủ.

"Trái ngược với thị trường tài chính, nơi có các quy tắc chống rửa tiền, các dòng tài chính bất hợp pháp và cơ quan giám sát thị trường tài chính, hiện tại không có điều đó cho giao dịch hàng hóa", David Mühlemann, một thành viên Public Eye, nói với đài truyền hình công cộng Đức ARD .

"Giao dịch hàng hóa cần phải được quản lý. Bạn cần minh bạch về các khoản thanh toán của các nhà kinh doanh hàng hóa cho các chính phủ, đặc biệt là đối với các chế độ chuyên quyền. Đây không chỉ là về Nga". Mühlemann nói.

Adria Budry Carbo, chuyên gia về hàng hóa tại Public Eye, cho biết trong một cuộc trả lời với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng, mặc dù Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ nhận ra vấn đề này, nhưng nó vẫn tiếp tục dựa vào sự giám sát gián tiếp của các nhà giao dịch hàng hóa bởi chính các ngân hàng.

Các ngân hàng không có nghĩa vụ phải tìm hiểu xem khách hàng của họ đang làm ăn với ai hoặc tiền đang đi đâu.

"Đối với chính phủ, điều này dường như là đủ. Theo quan điểm của họ, không cần phải có luật hàng hóa hoặc một cơ quan quản lý đặc biệt", Carbo nói.

Trong nhiều năm, Public Eye đã kêu gọi chính phủ Thụy Sĩ thành lập một cơ quan quản lý thị trường hàng hóa. Đó sẽ là một cơ quan độc lập theo mô hình của một cơ quan điều tiết thị trường tài chính của nước này. Một sáng kiến ​​do các thành viên đảng Xanh đưa ra vào năm 2015 nhưng đã không được chấp nhận và nay đảng này muốn đề xuất các quy định mới. Tuy nhiên, các thành viên khác trong chính phủ không chắc chắn như vậy.

Như vậy, miễn là khi nào các quốc gia phương Tây không trừng phạt thị trường thương mại nguyên liệu thô thì các nhà kinh doanh hàng hóa Thụy Sĩ vẫn có thể tiếp tục kiếm tiền bằng dầu và khí đốt của Nga - và lấp đầy vào hòm chiến tranh của chính quyền của TT Putin.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương