Cụ thể, tại Đồng Nai là 68.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với giao dịch trước đó, tại Gia Lai là 69.500 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk 70.000 đồng/kg; Bình Phước 71.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu, ở ngưỡng cao nhất, 72.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 15/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 42.433,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.730 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng sốc so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 10-16/6/2021 là 316,9 VND/INR.
Đầu tháng 6/2021, giá hạt tiêu đen và trắng tại Brazil tăng, giá tại Việt Nam và Malaysia ổn định, nhưng giá tại Ấn Độ giảm. Trong khi đó, tại Indonesia, giá hạt tiêu đen tăng nhưng giá hạt tiêu trắng giảm so với cuối tháng 5/2021.
Theo Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC), vụ thu hoạch hạt tiêu vụ mùa 2021 của Việt Nam đạt 180 nghìn tấn, giảm 40 nghìn tấn so với dự báo trước đó, và thấp hơn 60 nghìn tấn (giảm 25%) so với vụ thu hoạch 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cho biết hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc.
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ thuận lợi do nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu sử dụng tăng khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo đó dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam, nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.