Mới đây, triển lãm tranh Hồ Xuân Hương của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan đã bị gỡ bỏ khỏi triển lãm bởi Hội đông nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết sau khi nhận phản ánh từ giới chuyên môn, dư luận, Hội lắng nghe, xem xét và quyết định gỡ những tác phẩm "bất ổn, không thể chấp nhận" tại triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan.
Một trong những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng ở triển lãm, không nằm trong số tranh bị yêu cầu gỡ. Ảnh: TL. |
"Triển lãm chỉ còn vài ngày nên các tác giả xin phép được dừng cả triển lãm trước thời hạn. Tôi nghĩ đây là một sự việc cần rút kinh nghiệm. Quyền tự do sáng tạo của tác giả vẫn được tôn trọng nhưng vẫn còn những vấn đề nội dung tác phẩm. Qua sự việc này Hội sẽ có những cách thẩm định, lựa chọn kỹ càng, cẩn trọng hơn cho nội dung và nghệ thuật các tác phẩm tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam", ông Đoàn thông tin.
Ông Lương Xuân Đoàn cho biết: "Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tục mà thanh, thanh mà tục. Có thể do quan niệm của 2 họa sĩ về Hồ Xuân Hương không sâu sắc và non tay nên những tác phẩm gây ra phản ứng khác việc họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thành công tranh về Hồ Xuân Hương. Những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái hay minh họa của họa sĩ Lâm Lê về Hồ Xuân Hương trước đây hoàn toàn không gợi ý nghĩ dung tục".
Trả lời báo chí trước đó, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cho biết, tranh của ông có dung tục hay không thì còn phải bàn luận. Với ông, ông vẽ Hồ Xuân Hương hở hang, gợi cảm, bốc lửa, phồn thực là đúng với con người của bà. Tranh được giới thiệu lấy cảm hứng từ thơ, cái nhìn về Hồ Xuân Hương, họa sĩ thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu.
Còn Nguyễn Nghiêm Nhan cũng bày tỏ rằng, ông diễn tả cõi mơ của Hồ Xuân Hương, đó là nỗi lòng, sự cô đơn, ôm ấp hoài niệm, là cá tính mạnh mẽ của bà.
Trao đổi với Dân Việt, họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: "Các tác phẩm đó phản cảm và không đúng tinh thần của thơ Hồ Xuân Hương. Việc Hội đồng thẩm định gỡ xuống là đúng. Bởi trong nghệ thuật, ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục chỉ cách nhau sợi tóc. Ngay cả nếu đưa các tác phẩm đó về tiêu chí dung tục, gợi dục, thật ra cũng không tới, mà nghệ thuật càng không tới". Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật của triển lãm có tác phẩm không được treo vì ... xấu."
"Ở đây hoàn toàn không nói đến vấn đề giới tính, chính trị hay tình dục mà khi phân tích bức tranh bằng ngôn ngữ hội họa thì màu sắc, bút pháp, đường nét đều xấu, dung tục, thô thiển và sao chép ngôn ngữ văn học của Hồ Xuân Hương. Vẽ tranh minh họa cho tác phẩm văn học cũng phải sáng tạo lại một lần nữa. Tác phẩm nghệ thuật dù là lấy cảm hứng hay minh họa vẫn phải là độc lập, có thể đứng riêng không cần tầm gửi vào tác phẩm hay cái tên của người khác. Vì mỗi loại hình nghệ thuật có tiếng nói riêng của nó" – họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
Ông Nguyễn Thế Sơn - nhà nghiên cứu, giám tuyển cho nhiều dự án nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng nghệ thuật có rất nhiều lĩnh vực khai thác, tranh vẽ khỏa thân cũng là một phần trong đó. Vấn đề này phụ thuộc vào kỹ năng của người họa sĩ.
"Cao tay thì thành thanh, quá đà thì thành tục”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. Nếu nghệ sĩ có tài, có khiếu sáng tạo, sẽ biết hướng bức tranh tới cái đẹp. Ngược lại, năng lực chưa tới, bức tranh sẽ dễ khiến bức tranh trở thành phản cảm.
Ông Sơn cũng dẫn chứng một số tác phẩm dù vẽ tranh khỏa thân nhưng lại mang lại hiệu ứng hoàn toàn khác như tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Theo ông Sơ, Bùi Xuân Phái nắm bắt được hồn thơ của bà chúa thơ Nôm và biết cách để qua tranh kể được câu chuyện khác chứ không chỉ có sự trần trụi, hở hang.
Tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh: TL. |
Câu chuyện những bức tranh bị gỡ bỏ hoặc dừng trưng bày vì nội dung không còn hiếm. Trước đó vào tháng 5/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa yêu cầu tạm dừng một triển lãm hội họa chủ đề Điện Biên Phủ. Triển lãm do họa sĩ Mai Duy Minh tổ chức sau khi nhận được văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong văn bản nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không nêu rõ các tác phẩm trong triển lãm có sai sót gì, chỉ yêu cầu đơn vị phê duyệt triển lãm là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải rà soát lại.
Họa sĩ Mai Duy Minh đã có buổi họp với đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm và Đại học Mỹ thuật Việt Nam về vấn đề này. Cơ quan quản lý thống nhất tạm hoãn triển lãm vì có thông tin cho rằng một số bức tranh dễ gây hiểu nhầm nên cần thẩm định và rà soát lại.
Sau vụ việc, bức tranh chính của triển lãm đã lan truyền trên mạng xã hội. Nhân vật trung tâm bức tranh là một anh bộ đội gầy gò, đứng trên đống đổ nát của chiến trường, cầm lá cờ bị rách.
Bức tranh chính trong triển lãm được cho là nguyên nhân khiến triển lãm phải tạm dừng. Ảnh: TD. |
Hình ảnh người lính Điện Biên trong khoảnh khắc chiến thắng được họa sĩ Mai Duy Minh khắc họa không có thân hình vạm vỡ, quân dung tươi tỉnh và trang phục chỉnh tề như các tác phẩm mỹ thuật quen thuộc trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng bức tranh này chính là nguyên nhân khiến triển lãm phải tạm dừng.
Không ít ý kiến cho rằng việc gỡ bỏ bức tranh này là hành vi khắt khe với sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng có ý kiến khác lại cho rằng việc làm của các cơ quan là đúng đắn bởi tác giả bức tranh đã thể hiện cái nhìn không mấy tích cực. Trong khi đó, nhắc đến chiến sĩ Điện Biên là sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hào hùng, oai phong, uy nghiêm, oanh liệt. Chiến thắng vang dội của đất nước không nên thể hiện bằng hình ảnh nhếch nhác, lấm lem.. này.
Điều này cho thấy, ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm rất mong manh. Không phải bức tranh nào vẽ khỏa thân cũng nhìn vào chỉ thấy cơ thể uốn éo phô bày mà không thể cảm nhận được thông điệp ý nghĩa bên trong. Minh chứng là không ít các tác phẩm đã trở thành tuyệt tác được công chúng đón nhận dù nội dung cũng về khỏa thân. Hay như đề tài về chiến tranh, việc khắc họa hình ảnh người lính không phải tác phẩm nào cũng mang đến hình tượng oai phong, lẫm liệt, hào hùng... nhưng vẫn được đón nhận. Tác giả muốn khắc họa hình ảnh thực tế của cuộc chiến nhưng vô tình lại không mang lại hiệu ứng như mong đợi. Chưa kể, tái hiện lại hình ảnh người lính vốn không hề dễ dàng, người vẽ cần phải vừa sáng tạo cái mới lại vừa thể hiện đúng tinh thần của lịch sử.
Việc đánh giá một tác phẩm mang tính nghệ thuật hay phản cảm cũng khó khăn. Cụm từ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục quá mơ hồ, trừu tượng, không có tiêu chí cụ thể.
Họa sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ: "Không chỉ bây giờ, và không phải chỉ tại Việt Nam mà vẫn đề kiểm duyệt mới tạo ra sự tranh luận, bức xúc. Ngay tại những nước phát triển thì nghệ sỹ cũng có vấn để với chính quyền hoặc nhà quản lý. Sáng tạo nghệ thuật và quản lý xã hội không phải lúc nào cũng đồng nhất lợi ích và quan điểm.
Người kiểm duyệt họ không hẳn là không hiểu biết, hoặc không thấu hiểu nghệ thuật, nhưng họ cần cân đối quyền lợi của một cộng đồng dân cư và một tác giả. Thứ hai, mục tiêu của người làm nghệ thuật và người làm quản lý đôi khi không đồng nhất trên một trục, cho nên việc xảy ra sự xung khắc là điều không khó hiểu.
Đã là người nghệ sĩ lâu năm, rất cần hiểu và cân bằng khát vọng của bản thân cũng như sinh quyển nơi chúng ta sống. Không phải vì kiểm duyệt mà chúng ta gào lên "tôi không làm nghệ thuật nữa". Cũng không phải vì không kiểm duyệt mà ta làm việc cẩu thả.
Những tác phẩm bị kiểm duyệt chưa chắc đã là tác phẩm tốt, tác giả bị kiểm duyệt cũng chưa hẳn là tác giả tiên phong. Hãy coi kiểm duyệt là vấn đề bình thường khi làm nghệ thuật".
Hà Nội sẽ khôi phục loa phường
Hà Nội phấn đấu đến 2025, tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố.