Giá lúa mì tương lai chuẩn Chicago đang giao dịch ở mức khoảng 5,50 USD/giạ, tăng nhẹ so với mức thấp nhất trong ba năm rưỡi được ghi nhận vào giữa tháng 3 nhưng giảm khoảng 10% so với đầu năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng trước cho biết 504.000 tấn lúa mì bán sang Trung Quốc đã bị hủy bỏ. Con số này tương đương với khoảng một nửa tổng số lô hàng lúa mì của Mỹ đến Trung Quốc vào năm 2022 và là lần hủy hợp đồng lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1999.
Reuters đưa tin, khoảng 1 triệu tấn lúa mì Úc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Trung Quốc là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Người mua ở đó vẫn chưa đưa ra lý do cho việc hủy bỏ.
Mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nhưng giá thực phẩm nhìn chung ít chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế hơn giá dầu thô, đồng và các nguyên liệu công nghiệp khác.
"Người mua có thể đang cố gắng tránh thực hiện các hợp đồng đắt tiền đã ký trước đây và mua lại với giá thấp hơn", Ruan Wei tại Viện nghiên cứu Norinchukin của Nhật Bản cho biết.
Nhu cầu nhập khẩu lúa mì dùng làm thực phẩm tăng ở Trung Quốc sau khi lũ lụt vào mùa hè năm ngoái ở Hà Nam ảnh hưởng đến chất lượng thu hoạch ở tỉnh trồng lúa mì hàng đầu. Người mua Trung Quốc dường như đã phản ứng bằng cách giành được các hợp đồng quy mô lớn mua lúa mì chất lượng cao từ Australia, Canada và Mỹ.
Nhưng Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sau đó đã tăng cường xuất khẩu giá rẻ sau vụ mùa bội thu thứ hai liên tiếp. Giá lúa mì chuẩn Chicago hiện thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh tháng 7/2023.
Vào thời điểm việc giao hàng từ các hợp đồng lúa mì bổ sung bắt đầu đến Trung Quốc, giá của chúng dường như đã cao hơn đáng kể so với giá thị trường, do đó có thể dẫn đến việc hủy bỏ các hợp đồng.
Trung Quốc không tăng nhập khẩu lúa mì Nga do không đáp ứng được yêu cầu của nước này. Thay vào đó, họ mua thêm lúa mì từ Pháp và Kazakhstan.
Người mua Trung Quốc được biết là đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi giá cả. Vào mùa xuân năm 2023, họ đột ngột hủy hợp đồng mua 1,1 triệu tấn ngô Mỹ. Sau đó, họ được cho là đã tăng nhập khẩu từ Brazil, do nguồn hàng dồi dào ở đó đã khiến giá giảm.
"Các động thái của Trung Quốc nhằm hạn chế nhập khẩu ngũ cốc có thể sẽ tiếp tục trong trung và dài hạn", Li Xuelian, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Marubeni, cho biết.
Chính phủ Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào an ninh lương thực kể từ năm ngoái trong bối cảnh giá cả trong nước tăng cao và căng thẳng với Mỹ. Luật an ninh lương thực sẽ có hiệu lực vào tháng 6 để giúp thúc đẩy sản xuất ngũ cốc trong nước và đa dạng hóa nhập khẩu.
Trung Quốc đặt mục tiêu cuối cùng có thể tự chủ hoàn toàn về lúa mì và gạo nói riêng, dẫn đến áp lực hạn chế nhập khẩu các loại ngũ cốc này lớn hơn so với ngô và các loại ngũ cốc khác chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
(Nguồn: Nikkei)