Trung Quốc nỗ lực thoát phụ thuộc nguồn xuất khẩu kim loại hiếm: Sự bùng nổ khai thác tại trung tâm 'vàng trắng' liệu có phải trả giá?

Lithium - kim loại màu trắng được sử dụng trong sản xuất pin xe điện cùng nhiều ngành công nghiệp hiện đại khác - được mệnh danh là "vàng trắng".

Thành phố Nghi Xuân - khu vực tiềm năng nhất về lithium của Trung Quốc - là điểm khởi đầu trong nỗ lực nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu kim loại cho ngành công nghiệp pin của nước này, nơi sản xuất 3/4 pin lithium-ion trên thế giới.

Một chiếc xe đỗ gần nhà máy luyện lithium ở thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào ngày 30/3/2023. Ảnh: Reuters
Một chiếc xe đỗ gần nhà máy luyện lithium ở thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào ngày 30/3/2023. Ảnh: Reuters

 Khai thác kim loại từ một loại đá có tên là lepidolite, Nghi Xuân đặt mục tiêu tăng sản lượng gấp bốn lần lên khoảng 350.000 tấn lithium cacbonat tương đương (LCE) vào năm 2025, hoặc tương đương với sản lượng mà Australia - nước xuất khẩu lithium hàng đầu thế giới - sản xuất vào năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Reuters, do chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với các khu vực khai thác khác của Trung Quốc, Nghi Xuân là nơi dễ bị tổn thương nhất trước hiện tượng sụt giảm giá lithium toàn cầu gần đây.

Đồng thời, mối lo ngại ngày càng tăng về tác động môi trường của việc khai thác quặng lithium từ lepidolite, khiến chính quyền thành phố Nghi Xuân phải đóng cửa một số nhà máy, tiếp tục thách thức nỗ lực tự lực cánh sinh của Trung Quốc.

Sản lượng hàng tháng ở Nghi Xuân đã giảm khoảng 1/3 sau khi Trung Quốc chuyển sang kiềm chế làn sóng hỗn loạn đổ xô vào lĩnh vực này, trong khi Bắc Kinh cũng cắt giảm trợ cấp xe điện, khiến nhu cầu lithium và giá cả bị ảnh hưởng.

Yang Yaohua - nhà phân tích tại Guosen Futures - cho biết: “Nhiều khoản đầu tư vào Nghi Xuân hiện đang gặp rủi ro sau khi giá giảm trong năm nay.”

Theo ngân hàng Macquarie của Úc, với dự báo nhu cầu lithium toàn cầu sẽ tăng 76% lên 1,57 triệu tấn LCE từ năm 2022 đến năm 2025, và Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu 55% lượng lithium, Bắc Kinh muốn tăng sản lượng trong nước.

Nghi Xuân, một thành phố có 5 triệu dân thuộc tỉnh Giang Tây được bao quanh bởi những ngọn núi phủ rừng giàu tài nguyên lepidolite, đang dẫn đầu nỗ lực đó.

Theo trang web của Nghi Xuân, vào cuối năm ngoái, 202 công ty, bao gồm cả gã khổng lồ pin CATL và Gotion High Tech, đã đầu tư vào các nhà máy luyện kim và mỏ của thành phố này.

Thách thức về chi phí

Đối với các nhà sản xuất vật liệu pin, vị trí địa lý của Nghi Xuân là điểm thu hút chính. Các mỏ ở đây dễ tiếp cận hơn các hồ nước muối trên cao nguyên phía tây Trung Quốc và mỏ đá spodumene ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên.

Để thu hút đầu tư, Nghi Xuân đã triển khai một loạt chính sách trong những năm gần đây, nhắm mục tiêu sản xuất 500.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm từ lepidolite và các nguồn khác.

Thành phố đã hỗ trợ phát triển mỏ bằng cách mua cổ phần trong các công ty khai thác mỏ để giúp đỡ các nhà sản xuất vật liệu pin không có mỏ ở nước ngoài như các công ty thuộc sở hữu của các nhà sản xuất lithium hàng đầu Trung Quốc Ganfeng Lithium và Tianqi Lithium.

Để so sánh, sự phát triển ở các khu vực giàu lithium khác còn kém xa.

Arena Yang - nhà phân tích kim loại pin tại tại Thượng Hải - cho biết: “Có rất ít nhà sản xuất vật liệu pin ở Thanh Hải và việc khai thác hồ nước muối ở khu vực cao nguyên Thanh Hải và Tây Tạng có thể rất hạn chế trong thời tiết mùa đông lạnh giá.”

Tuy nhiên, Nghi Xuân phải đối mặt với bất lợi lớn về chi phí. Các nhà phân tích cho biết, việc tách lithium khỏi lepidolite có thể tốn tới 100.000 nhân dân tệ (CNY) mỗi tấn (khoảng 13.700 USD/tấn), so với 40.000-50.000 CNY (5.500-6.900 USD) cho nước muối và 50.000-60.000 CNY (6.900-8.200 USD) cho spodumene.

Sự chênh lệch chi phí có thể được kiểm soát cho đến khi giá lithium sụt giảm sau khi Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp xe điện trong năm nay.

Yang - nhà phân tích của Guosen - cho biết: “Chi phí cao hơn là điều đáng lo ngại, đặc biệt nếu giá lithium vẫn có xu hướng giảm.”

Ông dự đoán, giá lithium sẽ giảm xuống còn 100.000 CNY (13.700 USD) ngay trong năm tới từ mức 320.000 CNY (43.900 USD) hiện nay do tình trạng dư thừa toàn cầu sắp xảy ra.

Chuỗi cung ứng lithium có một số nhược điểm đối với môi trường vì nó đòi hỏi một lượng lớn nước và năng lượng, đồng thời thải ra các chất ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh: Shutterstock Images
Chuỗi cung ứng lithium có một số nhược điểm đối với môi trường vì nó đòi hỏi một lượng lớn nước và năng lượng, đồng thời thải ra các chất ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh: Shutterstock Images

Mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng

Wu Wei - trợ lý giáo sư tại Đại học Hạ Môn - cho biết, việc khai thác và nấu chảy lepidolite tạo ra các sản phẩm phụ độc hại như thallium và tantalum gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Theo truyền thông địa phương, chính quyền thành phố Nghi Xuân đã tìm thấy chất độc trên sông Jin.

Vào tháng 12/2022, Công ty Công nghệ Vật liệu Đặc biệt Yongxing cho biết, hoạt động sản xuất tại một nhà máy của công ty con ở Nghi Xuân đã bị đình chỉ 10 ngày khi chính quyền địa phương điều tra vấn đề chất lượng nước bất thường được phát hiện trên sông Jin.

Cùng thời gian đó, trang The Paper (Trung Quốc) đưa tin, nhà máy của Yongxing nằm trong số 4 nhà máy ở Nghi Xuân đã bị đình chỉ sản xuất sau khi phát hiện thấy hàm lượng thallium cao trong các mẫu nước lấy từ sông Jin - nguồn cung cấp nước chính trong khu vực.

Lv Jun - Giám đốc Trung tâm phát triển ngành công nghiệp năng lượng mới pin lithium của thành phố Nghi Xuân - cho biết, đến năm 2025, nếu Nghi Xuân đạt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm, thì thành phố sẽ tạo ra khoảng 10 triệu tấn chất thải.

Ma Jun - Giám đốc Viện các vấn đề công cộng và môi trường (IPE), một tổ chức phi lợi nhuận ở Bắc Kinh - trích dẫn thông tin công khai cho biết, con số này sẽ gấp hơn 10 lần công suất xử lý chất thải hiện tại ở Nghi Xuân.

“Trước đây, việc giám sát môi trường ở địa phương chưa chặt chẽ. Khi quy định ngày càng khắt khe hơn, nguồn tài nguyên lithium ở Nghi Xuân sẽ mất khả năng cạnh tranh do chi phí bảo vệ môi trường cao hơn”, Ma nói.

Vicky Zhao - nhà phân tích cấp cao tại Fastmarkets - cho biết, hiện tại, nhiều công ty đang hướng về phía trước, đồng thời tìm cách kiểm soát chi phí tốt hơn.

Nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc về tham vọng của Nghi Xuân.

Các nhà phân tích của UBS nhận thấy, nguồn cung lithium từ lepidolite của Trung Quốc tăng gấp ba lần lên 280.000 tấn, hay tương đương với 13% nguồn cung toàn cầu, từ năm 2022 đến năm 2025, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Nghi Xuân.

Li Qi - nhà phân tích tại công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence của Anh - cho biết: “Trừ khi các nhà sản xuất lepidolite tìm ra cách giải quyết các vấn đề về môi trường và chi phí thông qua đổi mới công nghệ và nâng cấp ngành, đây sẽ vẫn chỉ là lựa chọn thứ hai sau spodumene.”

Hữu Hiển

Thiếu hụt lithium toàn cầu có thể xảy ra sớm nhất năm 2025

Thiếu hụt lithium toàn cầu có thể xảy ra sớm nhất năm 2025

BMI - đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions - nằm trong số những đơn vị dự đoán nguồn cung lithium sẽ thiếu hụt vào năm 2025.