Trung tâm thương mại phải chấp nhận cảnh đìu hiu

 Trung tâm thương mại cũng phải chấp nhận cảnh đìu hiu khi các đơn vị kinh doanh bán lẻ gặp nhiều khó khăn do vắng khách.

Những đợt bùng phát dịch kèm theo lệnh giãn cách xã hội đã khiến năm 2021 trở thành một năm ảm đạm đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp góp phần làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các đơn vị ngành hàng dịch vụ, bao gồm nhà hàng, gym, và spa... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tạo ra thu nhập và trả tiền thuê mặt bằng.

Tại quận 1, quận 5 (TP.HCM), không ít trung tâm thương mại chỉ có vài người đến “ngắm nghía”, thậm chí một số mặt hàng kinh doanh vẫn “buông rèm nghỉ dịch". Hay một số trung tâm thương mại khác trên đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức, ở khu vực dành cho ẩm thực vẫn chưa "sáng đèn", các quầy bán thức ăn, nước uống và khu nhà hàng hiện vẫn đóng cửa. Cũng chẳng khả quan là mấy khi các trung tâm thương mại trên cùng địa bàn dù lượng khách đã phục hồi, số lượng shop tái hoạt động lớn nhưng không ít doanh nghiệp than thở sức phục hồi rất chậm.

Chứng kiến tình cảnh đìu hiu, đại diện một trung tâm thương mại ở đây chia sẻ, tác động của dịch bệnh là quá mạnh khiến nhiều doanh nghiệp không tái ký hợp đồng mà lần lượt trả mặt bằng, dẫn đến bỏ trống nhiều vị trí ở trung tâm. Một điều đáng chú ý của thị trường bán lẻ năm vừa qua là nhu cầu gia tăng đối với việc mở rộng cửa hàng flagship thuộc các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ẩm thực. Mặc dù giá thuê mặt bằng bị đẩy lên 15% so với cùng kỳ năm trước do hạn chế về nguồn cung.

Theo nhiều chuyên gia, dù những tiện ích của mô hình kinh doanh trực tuyến đang được các thương hiệu tận dụng tối ưu, nhưng không thể làm biến mất hoàn toàn nhu cầu trải nghiệm trực tiếp các dịch vụ của khách hàng. Đặc biệt với các nhóm hàng về mỹ phẩm, thời trang, ăn uống và gym. Người tiêu dùng vẫn mong muốn sớm lại được sử dụng trực tiếp những tiện ích đó. Vì vậy, các trung tâm thương mại không thể dừng lại ở công năng truyền thống là mua sắm đơn thuần mà cần đáp ứng được những nhu cầu về mua sắm, giải trí, giao tiếp xã hội và ăn uống của khách hàng. Với những gì diễn biến trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến người dân sắp xếp lại các ưu tiên và thay đổi mối quan tâm trong tiêu dùng.

Trước khó khăn trên, đại diện một doanh nghiệp ngành ẩm thực đang thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại TP. Thủ Đức cho biết, đơn vị đang đàm phán để trả lại mặt bằng bên trong bởi doanh thu không bù nổi chi phí, riêng phí mặt bằng là hơn 100 triệu đồng/tháng (mức giá thuê hiện khoảng 1 triệu đồng/m2/tháng). Chính tiền thuê mặt bằng đã chiếm tỷ lệ vốn lớn, bao gồm tiền thuê hàng tháng và tiền cọc thế chân. Khó khăn là vậy nhưng để tiếp cận các gói vay của ngân hàng cũng không phải dễ. Do đó, phương án trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại để tìm kiếm những nơi vừa túi tiền đang được đơn vị ưu tiên lựa chọn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến các dịch vụ mua sắm, hàng quán. Vì vậy, kể từ khi được mở cửa sau đợt bùng phát dịch thứ 4, nhiều trung tâm thương mại ở TP.HCM vẫn đang nỗ lực giữ chân khách hàng thuê mặt bằng, thu hút người tiêu dùng đến mua sắm thông qua việc áp dụng các chương trình ưu đãi, song không mấy khả quan.

Không riêng ở TP.HCM, tại Hà Nội tình hình cũng không mấy khả quan. Được biết năm vừa qua dịch bệnh kéo dài đã khiến cho ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói chung tăng trưởng âm. Doanh thu của ngành năm 2021 giảm 4,6% do nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Việc buôn bán khó khăn cũng khiến cho thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội trở nên ảm đạm. Theo báo cáo mới được công bố bởi Savills Việt Nam, công suất cho thuê tại Hà Nội đạt 92%, giảm 2% theo quý và theo năm. Các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy mặt bằng kinh doanh.

Tổng Hợp