Theo Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030 do UBND TPHCM vừa ban hành, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025; huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030.
Sau khi được Ban Chỉ đạo xây dựng 5 huyện thành quận hoặc TPHCM đóng góp ý kiến, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; hoàn thiện trình UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Trên cơ sở hiện trạng các tiêu chí, tiêu chuẩn của huyện, xã thị trấn và đề xuất mô hình của huyện, Sở Nội vụ xây dựng các phương án, báo cáo UBND TPHCM trình Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương về chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố.
Khi chủ trương chuyển đổi được phê duyệt, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Kế hoạch Đầu tư trình UBND TPHCM bổ sung phương án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tiếp đó, các huyện sẽ tiến hành xây dựng đề án phân loại đô thị huyện, xã-thị trấn (hoặc lập báo cáo rà soát theo tiêu chí của quận, phường) và đề án thành lập quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) trình cấp có thẩm quyền công nhận.
Huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ nằm ở các vị trí cửa ngõ của TPHCM, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, các địa phương này có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện này không khác nhiều các quận nội thành.
Tuy nhiên, so với 30 tiêu chí của cấp quận thì huyện Hóc Môn đạt 23/30 tiêu chí, Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30 và huyện Cần Giờ đạt 19/30.
UBND TPHCM phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án riêng để 5 huyện lên quận, gồm kinh tế đô thị (Sở Kế hoạch Đầu tư); văn hóa đô thị (Sở Văn hóa và Thể thao); hạ tầng đô thị (Sở Quy hoạch Kiến trúc); con người đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển), quản lý nhà nước (Sở Nội vụ).
UBND TPHCM sẽ ưu tiên ngân sách để lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phân khu đô thị, phát triển hạ tầng, khu đô thị mới. TPHCM cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực người dân, doanh nghiệp phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại... Đất tại các đô thị mới sẽ được đấu giá để tạo vốn phát triển hạ tầng.
UBND TPHCM yêu cầu UBND 5 huyện rà soát, đánh giá hiện trạng từng loại tiêu chí (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị) theo các tiêu chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, các địa phương đề xuất mô hình đơn vị hành chính đô thị cần thiết phù hợp với thế mạnh, đặc thù của huyện. Việc này phải hoàn thành trong tháng 1/2022.
Tổng Hợp