Từ 1/9, TP.HCM chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè

Từ ngày 1/9/2023, tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định.

Quyết định này sẽ thay thế Quyết định 74 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9 tới nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án đã được cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận.

Từ 1/9, TP.HCM chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một số trường hợp không cần cấp phép (miễn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè) như tổ chức đám cưới, đám tang... nhưng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Yêu cầu khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo không gây mất trật tự, mất an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng... Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5m. Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định, theo Chinhphu.vn.

Ngoài ra, việc sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận cũng như phân loại đối tượng; trường hợp phải nộp phí theo quy định, việc thu và nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thực hiện theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiện Sở Giao thông vận tải Thành phố được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND xem xét quyết định.

Sở Giao thông vận tải cũng có trách nhiệm ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm điểm trông, giữ xe, đỗ xe có thu phí sau khi thống nhất với Công an Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện có liên quan.

Cũng theo quy định trên, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức có trách nhiệm ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ.

Quyết định mới chưa nêu mức phí cụ thể cho các trường hợp sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng, báo cáo UBND thành phố trước khi trình HĐND quyết định.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, mức phí dự kiến áp dụng theo 5 khu vực, dựa trên giá đất bình quân. Trong đó, mức phí thuê lòng đường và vỉa hè mỗi m² để giữ xe là 50.000-350.000 đồng một tháng. Giá thuê 20.000-100.000 đồng mỗi m² cho hoạt động khác.

Dự kiến mỗi năm nguồn thu phí dùng tạm lòng đường, vỉa hè khoảng 1.522 tỷ đồng, được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Việc thu và đóng phí được thực hiện theo các quy định về Luật phí và Lệ phí, theo VOV Giao thông.

Hiện TP.HCM có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè.

(Tổng hợp)

AN LY