Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone tăng từ mức thấp kỷ lục lên 6,5%

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro đã tăng từ mức thấp kỷ lục, bất ngờ tăng lên 6,5% do lãi suất cao và nền kinh tế trì trệ bắt đầu gây thiệt hại cho thị trường việc làm trong khu vực.

Eurostat, văn phòng thống kê của EU, cho biết hôm 3/11, số người thất nghiệp đã tăng 69.000 người trong tháng 9 so với tháng trước lên tổng số chỉ hơn 11 triệu người tại 20 quốc gia dùng chung đồng euro.

Ngân hàng Trung ương châu Âu, tuần trước đã tạm dừng loạt đợt tăng lãi suất, đang theo dõi chặt chẽ thị trường việc làm để tìm dấu hiệu nó sẽ suy yếu và tăng lương chậm, nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát gần đây.

"Chúng tôi đang nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên cho thấy thị trường lao động đang yếu đi", thành viên hội đồng quản trị ECB Isabel Schnabel cho biết trong bài phát biểu hôm 2/11 trước khi dữ liệu được công bố. "Nhưng quá trình này diễn ra càng chậm và càng yếu thì nguy cơ thắt chặt thị trường lao động kéo dài sẽ thách thức các giả định về mức giảm lạm phát lõi dự kiến càng cao".

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong tháng 9, mà các nhà kinh tế dự báo sẽ vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% trong cuộc thăm dò của Reuters, được cho là sẽ đánh dấu sự khởi đầu của sự suy giảm trên thị trường việc làm khu vực đồng euro sau nhiều năm phục hồi ổn định.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone tăng từ mức thấp kỷ lục lên 6,5% - Ảnh 1.

Một số công ty bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm đã từ bỏ hy vọng cải thiện trong một hoặc hai năm tới và bắt đầu cắt giảm việc làm. Ảnh: Getty Images

ECB dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro sẽ tăng lên 6,7% trong năm tới, do triển vọng tăng trưởng chậm chạp buộc các nhà tuyển dụng phải cắt giảm việc làm.

Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế học tại công ty tư vấn Pantheon Macro Economics, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro sẽ tăng hơn nữa trong những tháng tới, do tổng sản phẩm quốc nội sụt giảm và dữ liệu khảo sát cho thấy các công ty đã bắt đầu sa thải công nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất".

Tỷ lệ thất nghiệp của khối đã giảm gần một nửa kể từ khi đạt đỉnh 12% vào năm 2013 khi hàng triệu người mất việc trong cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực. 

Nó tăng lên một thời gian ngắn vào năm 2020 khi các lệnh phong tỏa do đại dịch khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc, nhưng các kế hoạch cho nghỉ phép tạm thời đã giảm bớt tác động và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm kể từ đó mặc dù hoạt động đã chậm lại trong năm qua.

Tăng trưởng đã chững lại trong năm nay tại khu vực đồng euro do lạm phát cao, lãi suất tăng mạnh của ECB và nền kinh tế toàn cầu suy yếu ảnh hưởng đến hoạt động. GDP của khối đã giảm 0,1% trong ba tháng tính đến tháng 9 so với quý trước.

Tỷ lệ các doanh nghiệp được EU khảo sát cho rằng tình trạng thiếu lao động là nguyên nhân hạn chế sản xuất đã giảm ở tất cả các lĩnh vực trong tháng trước, trong khi ý định tuyển dụng của các công ty đã giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn ở một số lĩnh vực.

Một số công ty bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm đã từ bỏ hy vọng cải thiện trong một hoặc hai năm tới và bắt đầu cắt giảm việc làm. Nhà phân phối thép Klöckner của Đức cho biết trong tuần này họ sẽ cắt giảm khoảng 300 việc làm, tương đương 10% nhân viên trong hoạt động kinh doanh thương mại ở châu Âu.

Bradley Saunders, nhà kinh tế tại nhóm nghiên cứu Capital Economics, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại trong những quý tới, đồng thời chỉ ra rằng tỷ lệ chỗ trống ở châu Âu đã giảm và các tin tuyển dụng trên trang web Indeed đang có xu hướng giảm ở Đức và Pháp".

ECB đã dự báo rằng lương trả cho mỗi nhân viên khu vực đồng euro - thước đo tăng trưởng tiền lương ưa thích của họ - sẽ tăng 5,3% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức lạm phát đạt mục tiêu 2%. Tuy nhiên, họ dự đoán tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại từ nửa cuối năm nay, giảm xuống còn 3,8% vào năm 2025.

(Nguồn: FT)

LAN ANH