Tài sản tỷ phú Việt năm 2020

Năm 2020 trải qua đầy biến động, nhưng tài sản tỷ phú USD ở Việt Nam cùng tăng lên theo sàn chứng khoán và thay đổi vị trí cho nhau.

Tập đoàn Hòa Phát đẩy nhanh tốc độ tăng tài sản của ông Trần Đình Long

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đang nắm trực tiếp 700 triệu cổ phiếu HPG và gián tiếp 1,3 triệu cổ phiếu. Tới cuối năm, tổng tài sản của ông Long đạt 87.300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 122%. Ông cũng là tỷ phú có tốc độ tài sản tăng nhanh nhất trong năm 2020.

Xét về kết quả kinh doanh, tính riêng quý III/2020 công ty ghi nhận doanh thu đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 62,7% và lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu HPG đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, sau 9 tháng, Hòa Phát thực hiện 75,6% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Ông Nguyễn Đăng Quang cùng Tập đoàn Masan

Là Chủ tịch tập đoàn Masan, nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ trực tiếp sở hữu 15 cổ phiếu công ty. Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quang đến từ số cổ phần thông qua các pháp nhân liên quan và người thân.

Theo tìm hiểu, 2 cổ đông lớn nhất của tập đoàn Masan hiện nay là CTCP Masan sở hữu 31,24% và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,24%.

Bên cạnh đó, CTCP Masan lại sở hữu 100% vốn Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Như vậy, pháp nhân này sở hữu gần 45% vốn Tập đoàn Masan.

Ông Quang cùng ông Hồ Hùng Anh được cho là 2 cổ đông lớn nhất của CTCP Masan.

Theo cập nhật trên Forbes đến ngày 24/1, tổng tài sản ông Quang đạt 1,6 tỷ USD.

Hệ sinh thái của bà Nguyễn Thị Phương Thảo 

Đến cuối quý III/2020, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm 36,3 triệu cổ phiếu HDB. Thông qua CTCP Sovico, bà còn nắm thêm 138,3 triệu cổ phiếu HDB.

Tại VietJet Air, bà đang nắm trực tiếp 47,4 triệu cổ phiếu VJC, nắm 41,1 triệu cổ phiếu qua CTCP Sovico và 154,7 triệu cổ phiếu qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Tính toán cho thấy, tổng tài sản bà Thảo sau hơn 1 năm đạt 25.263 tỷ đồng, giảm 2,2%.

Tình hình tài chính của HDBank và Vietjet Air trong năm 2020 có sự tương phản.

Với HDBank, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận lợi nhuận tại ngân hàng mẹ đạt 3.615 tỷ đồng, tăng 31,9%, trong đó thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ tăng lần lượt 31,1% và 71,9%. Lợi nhuận hợp nhất đạt 4.381 tỷ, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành 103% kế hoạch 9 tháng.

Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 273 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Dư nợ tín dụng đạt 175 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm tăng 19,2% so với cùng kỳ, cao gấp hơn 2 lần mức bình quân toàn ngành. Cùng với tăng trưởng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu  của ngân hàng riêng lẻ ở mức 1,39%. Toàn bộ trái phiếu VAMC đã được ngân hàng tất toán sớm hơn kế hoạch.

[caption id="" align="alignnone" width="720"]nguyen-thi-phuong-thao Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Ảnh: Internet)[/caption]

Trong khi đó, VJC ghi nhận doanh thu 9 tháng 2020 đạt 13.780 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của hãng âm gần 925 tỷ đồng. Tổng số chuyến bay nội địa của hãng trong quý III/2020 chỉ đạt hơn 15.000 chuyến, giảm 35% so với cùng kỳ.

Vietjet cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu, là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm về nhu cầu đi lại giữa các quốc gia trên thế giới. Sau khi được phép bay trở lại, Vietjet đã vận chuyển được hơn 3 triệu lượt khách trong quý III/2020 và đã tích lũy vận chuyển hơn 10 triệu khách trong 9 tháng đầu năm 2020. Hãng này cũng đã mở mới thêm 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa tổng đường bay nội địa lên 52 đường bay.

 Tập đoàn VinGroup với chủ tich Phạm Nhật Vượng

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm 876 triệu cổ phiếu Tập đoàn VinGroup – HoSE:VIC (25,43% vốn) và sở hữu gián tiếp hơn 1 tỷ cổ phiếu VIC (32,52% vốn) thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Theo tính toán cơ học, tổng tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau hơn 1 năm (tính từ phiên 2/1/2020 đến phiên 22/1/2020) đạt tổng gần 201.219 tỷ đồng, giảm 8,7%.

Ngoài ra, bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, cũng đang sở hữu hơn 151 triệu cổ phiếu VIC (tỷ lệ 4,38% vốn). Tính ra, tổng tài sản của bà tại ngày 22/1/2020 là 15.860 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, VIC gây chú ý với thông tin chuẩn bị mua lại tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của LG Electronics tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil, trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang tiến hành bán tách bộ phận truyền thông di động do thâm hụt gia tăng trong những năm gần đây.

Korea Times trích lời một quan chức cấp cao trong ngành,"Chính phủ Việt Nam và Vingroup đang tìm cách mở rộng sang các ngành công nghệ cao và thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương. Ngoài ra, nhu cầu cao cấp trong khu vực bao gồm Việt Nam, Myanmar và Thái Lan cũng cao. Họ chỉ đang tìm cách mua lại các cơ sở sản xuất, trong khi LG có kế hoạch tiếp tục hoạt động R&D nhưng với số lượng nhân viên cắt giảm sẽ đóng tại trụ sở chính tại Hàn Quốc. Vingroup đã đưa ra lời đề nghị tốt nhất trong số những người mua tiềm năng khác”.

Từ năm 2018, VIC đã ra mắt bộ phận sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart và vận hành một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hải Phòng, gần nhà máy điện thoại thông minh của LG. Thương vụ này được hứa hẹn sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp cho VIC.

Bên cạnh đó, VinFast – một thương hiệu khác của VIC, cũng gây ấn tượng khi có kế hoạch tung ra 2 mẫu ô tô chạy xăng và 3 mẫu ô tô chạy điện từ năm 2022, và bắt đầu vận hành xe buýt điện VinBus từ năm 2021. Với các mẫu xe này, mục tiêu của công ty là 30% thị phần ô tô tại Việt Nam. Với thị trường nước ngoài, VinFast sẽ chỉ giới thiệu các mẫu xe chạy điện. Cụ thể, 2 trong 3 mẫu ô tô chạy điện kể trên cũng sẽ được ra mắt tại thị trường Mỹ vào đầu năm 2022.

VinFast đang và sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tự lái, công nghệ pin và hệ thống sạc, công nghệ điều khiển giọng nói và các công nghệ phục vụ trải nghiệm cá nhân hóa cho người lái và hành khách (hệ thống Thông tin – Giải trí Info-tainment).

Về KQKD, lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận VIC đạt 74.640 tỷ đồng doanh thu, giảm 19,41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 9.730 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản VIC đạt 430.011 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 124.552 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 3,3% so với cuối năm 2019.

Hồ Hùng Anh - với Tech và Masan

Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) đang nắm 39,3 triệu cổ phiếu TCB. Ngoài ra, các pháp nhân liên quan đến ông còn nắm 486 triệu cổ phiếu TCB.

Theo tính toán từ Forbes, tài sản thực của ông Hồ Hùng Anh hiện nay khoảng 2 tỷ USD.

Về tình hình kinh doanh của Techcombank, ngân hàng trong riêng quý III/2020 ghi nhận thu nhập lãi thuần  đạt 5.147,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 80% lên 1.145 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 97% lên 826,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 55% xuống 203,8 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí hoạt động, lãi thuần trước trích lập tăng 40%, đạt 5.007 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 1,8 lần khiến lãi trước thuế chỉ tăng 24% so với quý III/2019, ở mức 3.973 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế đạt 10.711 tỷ đồng, tăng 20%, tương đương 82% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tăng tương đương, ở mức 8.575 tỷ đồng. Chi phí trích lập tăng 2,7 lần lên 2.244 tỷ đồng trong 9 tháng là nguyên nhân khiến đà tăng lợi nhuận thu hẹp.